-
TỲ KHEO NI GIỚI
* * * * * *
(tiếp theo)
V. Ghi Chú
(1) Giới kinh ở đây là Tỷ-kheo giới bản và Tỷ-kheo ni giới bản. Giới kinh ở đây còn có 2 trường hợp nữa. Có trường hợp chỉ cho Tứ phần luật. Có trường hợp chỉ cho mỗi bài tụng của 7 đức Phật nói Giới kinh.
(2) Chính văn là thánh pháp tài (tài sản chánh pháp của các vị thánh), thường nói tắt là thánh tài. Thánh tài có 7 thứ, là tín, giới, tàm, quí, văn, xả, tuệ. Có 7 thứ này thì gọi là thánh nhân (kinh Niết bàn).
(3) Tỷ-kheo ni giới có 7 loại: 1. khiắ, có 8; 2. tăng tàn, có 17; 3. xả đọa, có 30; 4. đọa, có 178; 5. hối quá, có 8; 6. học, có 100; 7. diệt tránh, có 7. Chính văn này chỉ đưa ra 3 loại, là nói tắt.
(4) Dịch đúng chính văn là nói việc ấy cho tôi. Chính văn này không chỉnh. Ở đây là các đức Phật đều nói Giới kinh.
(5) Giới luật của dị giáo, ngoại đạo.
(6) Ðại khái gửi lời thưa rằng mình cũng muốn bố-tát và trong nửa tháng vừa qua mình không vi phạm giới nào.
(7) Chính văn là thời đáo, có nghĩa đến lúc, đúng lúc, thì gian thích hợp.
(8) Chỉ cho 37 giác phần, đặc biệt chỉ cho 8 chánh đạo trong đó.
(9) Chính văn là trì, có nghĩa nắm giữ trong trí, tức là nhớ, ghi nhận.
(10) Dịch nghĩa là khí (bị bỏ ra ngoài tăng chúng), nhưng chính nghĩa là tha thắng (bị chiến thắng).
(11) Sự dâm dục, Luật gọi là phi phạn hạnh, là bất tịnh hạnh.
(12) Không được cùng tăng chúng kiết-ma và thuyết giới.
(13) Là hẹn chỗ để hành dâm. Chính do sự này mà phạm trọng tội.
(14) 1. Chính văn là phạm tùy cử cố. Dịch như đã dịch mà không tự tín chính xác. 2. Từ giới thứ 5 xuống đến giới này có sự bất thường. Là cuối mỗi giới có thêm 1 câu. Những câu này quả là không cần thiết, nên bản Nguyên chiếu lược bỏ.
(15) Dịch nghĩa là tăng tàn, là phạm những tội này còn có thể cứu vãn được nếu biết sám hối trước 40 vị Tỷ-kheo và Tỷ-kheo ni, không thì cũng như phạm tội ba-la-di.
(16) Loại tăng tàn của Tỷ-kheo ni có sự bất thường. Là trong 17 giới, 9 giới trước ghi thêm sơ pháp ưng xả, 8 giới sau ghi thêm tam pháp ưng xả. Trùng trị cắt nghĩa sơ pháp là mới làm là phạm (nói cách khác, mới phạm là thành tội), ưng xả là phải bỏ mà đừng phạm; tam pháp là can gián đến lần thứ 3 mà không bỏ mới là phạm (nói cách khác, sau 3 lần can gián mới thành tội), ưng xả cũng là phải bỏ mà đừng phạm. Sơ pháp với tam pháp, cắt nghĩa như vậy là chính xác, còn ưng xả thì không rõ cắt nghĩa như vậy có chính xác không. Vì 2 câu này chỉ có Trùng trị cắt nghĩa, nên tôi dịch theo sách ấy.
(17) Chính văn là chủng tánh (dòng họ, giai cấp, thành phần xã hội).
(18) Nhiễm thực là thức ăn xuất từ nhiễm tâm (tâm ô nhiễm: tâm dâm dục).
(19) Ðủ thì phải nói phá hoại tăng hòa hợp mà còn chống lại sự can gián. Tăng hòa hợp là 4 vị Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni sắp lên, cùng kiết-ma và cùng tụng giới.
(20) Là cùng học đức Phật bổn sư: đức Thích-ca.
(21) Ðủ thì phải nói hỗ trợ phá tăng hòa hợp mà còn chống lại sự can gián.
(22) Ðủ thì phải nói làm hoen ố tín đồ mà còn chống lại sự can gián.
(23) Làm hoen ố tín đồ, chính văn là ô tha gia (làm bẩn người khác). Ô tha gia có 4 hình thức mà đứng đầu là đem vật của người này cho mà cho lại người khác, làm cho tâm lý người nào cũng không còn bình thường. Làm những việc xấu là những việc xấu dẫn ra từ sự ô tha gia.
(24) Hoan hỷ, chính văn là "ma-na-đỏa", dịch nghĩa là ý hỷ. Ý hỷ là ở sát cạnh chư ni, chân thành ân hận, làm cho chư ni hoan hỷ mà mình cũng hoan hỷ.
(25) Chính văn chỉ có Tỷ-kheo ni. Như vậy là không chỉnh, nên phải bổ túc Tỷ-kheo.
(26) Trường hợp, chính văn là thời. Tra 4 bộ Luật khác mới biết chữ ấy, ở đây và nhiều chỗ sau đây, có nghĩa là trường hợp.
(27) Dịch nghĩa là xả đọa, là xả thí những vật dụng dư thừa rồi sám hối, nếu không thì sẽ bị đọa lạc ác đạo.
(28) Y công đức (ca-thy-na y) là y được xét thưởng sau 3 tháng an cư thanh tịnh. Ai được xét thưởng thì có 5 tháng (16/7 đến 15/12) được hưởng 5 sự mà Luật đã định.
(29) Trường y (y dài) là dài bằng 8 ngón tay và rộng bằng 4 ngón tay của Phật. Vạn 70/346 nói trường y là y dư thừa, hễ vải dài 1 thước 6, rộng 8 tấc, thì đã gọi là trường y.
(30) Tịnh thí nghĩa là cho một cách trong sạch. Tịnh thí ở đây là Tỷ-kheo ni có thừa những vật dụng (như y, bát, v/v) thì phải thí xả. Có 2 cách tịnh thí. Một là chân thật tịnh thí, là đem vật dụng thừa ra giữa chư tăng mà thí xả cho người khác. Hai là triển chuyển tịnh thí, là thí xả giữa chư tăng mà nói tên người mình muốn cho. Nếu người ấy vắng mặt thì chư tăng nói : Ðại tỷ đã cho người ấy rồi thì đó là vật của người ấy ; đại tỷ nên cất giữ giúp người ấy, và nếu cần thì mượn mà dùng.
(31) 5 y là An-đà-hội, Uất-đa-la-tăng, Tăng-già-lê, tăng-kỳ-chi, phú-kiên ; 5 y là của Tỷ-kheo ni dùng. Cũng nên biết chữ Y trong Luật có khi chỉ cho y, có khi chỉ cho áo, quần, khăn v/v, có khi chỉ cho vải.
(32) Kiết-ma, dịch nghĩa là tác pháp biện sự. Việc gì của tăng cũng phải do cả tăng quyết định mới thành tựu, đó gọi là kiết-ma. Kiết-ma có đan bạch, bạch nhị và bạch tứ. Ðan bạch là gặp những việc quá thường xuyên thì chỉ cần 1 lần tuyên cáo (tác bạch, bạch) mà thôi, không cần hỏi lại. Bạch nhị là gặp những việc hơi quan trọng, sợ xảy bất đồng ý về sau, nên phải 1 lần tuyên cáo rồi hỏi lại 1 lần. Bạch tứ là gặp những việc quan trọng thì phải 1 lần tuyên cáo rồi hỏi lại 3 lần. Tăng kiết-ma có 4 loại, đó là 4 vị cho đan bạch, 5 vị cho bạch nhị, 10 vị cho bạch tứ, 20 vị hay 40 vị cho sự xử tội tăng tàn. Số lượng này nhiều hơn thì được, thiếu đi thì không được.
(33) Ðáng lẽ phải nói 5 y có cái cũ và hỏng. Nguyên do của giới này là vì có Tỷ-kheo ni y Tăng già lê bị cũ và hỏng.
(34) Lời xin tùy ý là thí chủ có lời xin nói trước rằng người nhận lãnh muốn sao cũng được.
(35) Chính văn là khẩu khả thọ, dịch nhận lấy bằng cách miệng nói được, là theo Danh nghĩa (Vạn 70/347).
(36) Ðáng lẽ giới này nên nói đổi chác (mậu) thì đúng hơn, vì bán mua thì là giới thứ 11.
(37) Chính văn là muội.
(38) Dịch sát là 10 ngày chưa hết của 3 tháng kiết hạ an cư ; 10 ngày ấy là 6/7 đến 15/7.
(39) Thì hạn của y ấy, y ấy là y cúng vội vàng nói trên, thì hạn của y ấy là 1 tháng (16/7 đến 15/8) nếu không thọ công đức y, hoặc 5 tháng (16/7 đến 15/12) nếu có thọ công đức y.
(40) Giới này đến giới 23 rõ ràng có thể làm 1 giới thôi. Phải dịch rất sát tên giới, là để thấy khác nhau.
(41) Trường bát, có ý kiến nói là bát dư thừa.
(42) Bịnh y ở đây là vải dùng lúc hành kinh.
(43) Thời y và phi thời y. Y đây cũng có thể là vải. Coi giới thứ 3 thì biết. Thời y (y đúng thời) là y có trong thì gian 1 tháng (16/7-15/8) hoặc 5 tháng (16/7-15/12). Phi thời y (y trái thời) là y có trong thì gian không phải thì gian của thời y.
(44) Tấm ở đây nhỏ thì rộng 2 khuỷu tay, lớn thì bằng y ca sa (Vạn 70/348). Áo dày là áo chống lạnh.
(45) Áo mỏng cũng nên dịch áo nhẹ, là áo chống nóng.
(46) Ba-dật-đề dịch nghĩa là đọa, là phạm những giới này nếu không sám hối giữa chư tăng thì sẽ bị đọa lạc.
(47) Coi lại ghi chú 17.
(48) 5, 6 lời, cũng có thể dịch là pháp số 5 (như nói 5 uẩn vô ngã) và pháp số 6 (như nói 6 thức vô thường).
(49) Cây cối là chỗ ở của quỉ thần và sinh vật, nên những chữ chặt phá cây cối và sinh vật là bổ túc.
(50) Giường giây là lòng giường đan sợi mây hay bất cứ sợi gì. Có chỗ giường giây là võng.
(51) Không phải giờ ăn (phi thời) là kể từ xế bóng ngày trước cho đến ngày sau trời chưa sáng.
(52) Dịch rõ là thức ăn mà mình không hay chưa nhận lời mời, hoặc thuốc cũng không hay chưa nhận lời mời, mà đã bỏ vào miệng.
(53) Bữa ăn trước là trời sáng cho đến giờ ngọ, bữa ăn sau là giờ ngọ.
(54) Nhà ăn (thực gia) và vật báu ở đây có cái nghĩa riêng ở đây, không phải cái nghĩa thông thường. Nghĩa thông thường thì nhà ăn là nhà mời ăn, vật báu là vàng ngọc (hoặc nói bóng người đẹp). Nhưng nghĩa ở đây thì nhà là nhà có chồng vợ, ăn là chồng vợ ấy hành dâm hưởng lạc với nhau (và vật báu có thể chỉ có nghĩa là trong nhà ấy có chỗ cho chồng vợ hành dâm). Trong nhà ăn có vật báu như vậy mà họ mời ăn rồi không đi ngay thì rất chướng ngại cho họ, nhất là cho người chồng.
(55) Dịch rõ là khơi lại 4 sự tranh cãi. Sự tranh cãi có 4, đó là 1, ngôn tranh, là tranh cãi vì bàn luận giới pháp; 2, mích tranh, là tranh cãi vì xoi bói tội lỗi ; 3, phạm tranh, là tranh cãi về tội lỗi đã phạm; 4, sự tranh, là tranh cãi về công việc kiết-ma. Cả 4 sự tranh cãi đều phải diệt bằng 7 cách diệt tránh. Khi kiết-ma diệt tránh rồi mà ai còn khêu gợi lại thì phạm ba-dật-đề.
(56) Ðâu la là bông của mọi thứ cây cỏ, trong đó có bông gòn, bông vải, và kén tằm hoang.
(57) Ðúng chính văn thì chỉ nói tỏi. Nhưng thật ra là nói 5 vị tân. Nên phải dịch các thứ tỏi.
(58) Tác tịnh ở đây là làm vệ sinh bộ phận sinh dục. Ðặt giới hạn như vậy là phòng tự kích thích, phòng thói thủ dâm.
(59) Xin lúa, mè, gạo, đậu, v/v. Ấy là nói sự xin xỏ không chán, không biết xấu hổ.
(60) Và các trò chơi khác. Kỷ nhạc là diễn tấu nhạc khí, là hòa nhạc; có chỗ kỷ nhạc là diễn kịch hòa nhạc.
(60b) Chính văn là bất sinh Phật pháp trung. Không sinh trong Phật pháp là không sinh vào trong gia đình tin Phật, không sống trong Phật pháp bằng cách xuất gia hay tại gia.
(61) Như trời lạnh mà chỉ có 1 chăn.
(62) Như vì việc của Tam bảo, vì việc của Tỷ-kheo ni bịnh, thì kiết hạ an cư cũng được tác pháp xuất giới 7 ngày.
(63) Vì tín đồ vốn chỉ xin cúng dường mùa an cư mà thôi.
(64) 6 nạn là không có kéo, kim, chỉ, vải không đủ, chủ y phá giới, tính mạng bị nạn.
(65) 5 ngày coi sóc 1 lần.
(66) Vì đui, điếc, còng, què, v/v.
(67) Là 10 năm sau khi xuất gia và 2 năm Thức-xoa. Không phải 12 năm là năm sinh. (Trùng trị, Vạn 63/300A).
(68) Dâm nữ, tư thông, v/v.
(69) Là giáo pháp và cơm áo.
(70) Chính văn nói 12 năm, nhưng chính trong Tứ phần luật thì nói 1 năm, hay nói 12 tháng. Như vậy có thể suy ra mỗi năm độ 1 người là nhiều rồi.
(71) Dịch đủ thì còn cá và thịt. Nhưng đó là tùy thí tùy thực (cho gì ăn nấy), nên ở đây phải lược.
(72) Chính văn là gia. Theo cước chú của Vạn 64/102 thì là nhà của thí chủ. Nhưng cước chú của Tỷ-kheo ni giới kinh thì gia ở đây đọc là cô (thái cô), nghĩa là bà thầy. Xét lý do của giới này (Tứ phần, Chính 22/768) thì nghĩa thầy đúng hơn. Lý do của giới này là Tỷ-kheo ni An ổn có 1 đệ tử là Tỷ-kheo ni Ðề-xá. Hai thầy trò đến nhà thí chủ cũ. Thí chủ thấy An ổn y phục tề chỉnh, oai nghi hoàn hảo, nên hoan hỷ cúng dường. Về chùa, An ổn nói với Ðề-xá, rằng thí chủ này tín tâm chân thành, cúng dường hảo ý. Ðề-xá có ý ganh ghét, nói thí chủ tín tâm chân thành, cúng dường hảo ý, là cúng dường cho thầy!
(73) Vạn 64/102 nói mè đây là chi ma.
(74) Chính văn là chủ khỏa y, tức quần cụt, quần đùi, quần lót, mà may lụa, độn dày, đính đồ đẹp. Mặc để làm đẹp hạ thể. Bị cấm dùng. Nếu có bịnh thì mặc bịnh y rồi mặc quần.
(75) Nói đủ là tăng kỳ chi, là áo lót che nách, ngực và eo.
(76) Thuật số ở đây, và ở dưới đây, chính văn là kỹ thuật. Chữ này không chỉnh, vì ở đây là nói chú thuật, lý số, và đó là tà mạng nên Luật cấm.
(77) Tra cứu Tứ phần (Chính 22/777) và Trùng trị (Vạn 63/303), thì lắc mình rảo bước (dao thân xu hành) có thể hiểu đi mà nhún nhảy. Coi phần khai của giới này thì đủ để hình dung. Phần ấy nói hoặc vốn có bịnh như vậy, v/v, hoặc muốn làm cho y áo tề chỉnh, nên nhìn phải nhìn trái, ngoái mình mà nhìn, không phạm.
(78) Chính văn là tác, vừa có nghĩa sử dụng, vừa có nghĩa sắm sửa. Ở đây có cả 2 nghĩa, mà nghĩa sử dụng nhiều hơn, còn nghĩa sắm sửa thì là giới 157.
(79) Dịch nghĩa là hướng bỉ hối, là những giới điều mà phạm vào chỉ cần sám hối với 1 Tỷ-kheo ni.
(80) Danh nghĩa (Vạn 70/273) nói từ bò mà ra là nhủ, từ nhủ mà ra là lạc, từ lạc mà ra là sanh tô, từ sanh tô mà ra là thục tô, từ thục tô mà ra là đề hồ. Ðó là nói về sữa bò và 4 cách chế biến về sữa ấy. Bốn cách này khó dịch và biết cho rõ, vì xưa khác nay khác, xứ khác, tên khác. Nên ở đây tôi để nguyên chữ tô và chữ lạc, và gọi là sữa tô, sữa lạc.
(81) Coi lại ghi chú 71. Nhưng ở đây không thể lược bỏ.
(82) 1. Như đã nói trong lời tựa, 100 giới này tôi không dịch tên. 2. 100 giới này hoàn toàn y như Tỷ-kheo giới, chỉ có không hơn vài chỗ khác chữ mà cùng nghĩa.
(83) Xuống dòng như vậy là có ý sắp loại các giới điều này.
(84) Chính văn là tôn tọa. Tôn, các bản ghi chú đều nói là ngồi mà tiếng thông tục của ta gọi là ngồi chỏ hỏ. Nhưng từ điển nói là ngồi xoạc đùi. Tôi chọn nghĩa này.
(85) Ðể khỏi rơi đồ ăn xuống.
(86) Chính văn là canh, nhưng rõ ràng chữ ấy ở đây là đồ ăn, chứ không phải chỉ là canh như thường nói. Do vậy chữ canh ấy được dịch là đồ ăn.
(87) Chú thích: ăn không tuần tự là ngay trong bát mà đã lấy ăn lung tung.
(88) Dịch theo chú thích là một nửa vào miệng, một nửa còn lại nơi tay.
(88b) Dịch đủ là nhai cơm. Nhưng đủ mà thiếu. Bất cứ nhai gì cũng không được ra tiếng, không phải chỉ nhai cơm.
(89) Là 7 cách diệt trừ sự tranh cãi. Bảy cách này, nếu chư ni có sự tranh cãi (coi ghi chú 55) thì phải dập tắt bằng 7 cách ấy. Nói đại khái và giản dị, thì một thành phần chư ni có lỗi, nhất là lỗi gây ra tranh cãi, thì hãy diệt tranh cãi ấy bằng cách cho hiện diện (1), cho nhớ lại (2), cho tỉnh trí (3), cho tự xử (4), cho tự xét (5), cho chung xét (6), cho qua loa (7). Nghĩa là bằng cách nào đó có lý có tình mà đem lại sự phục thiện và hoan hỷ là tốt. Giới của 7 cách này là sau khi diệt tránh bằng 7 cách rồi, ai còn khơi lại thì phạm tội và bị trị.
Ký hiệu:
- Ðại tạng kinh bản Ðại chính tân tu. Ký hiệu là Chính, thí dụ Chính 1/100, là Ðại tạng ấy, tập 1, trang 100. Mỗi trang có 3 khoảng trên giữa dưới, nhưng sách này không ghi rõ khoảng ấy và dòngchữ.
- Tục tạng kinh bản chữ Vạn. Ký hiệu là Vạn, thí dụ Vạn 1/100 là Tục tạng ấy, tập 1 tờ 100. Mỗi tờ có 2 mặt a và b, mỗi mặt có 2 khoảng trên dưới, nhưng sách này cũng không ghi rõ những chi tiết ấy.
- Phật học đại từ điển của Ðinh Phước Bảo. Ký hiệu là Bảo, thí dụ Bảo 100, là đại từ điển ấy, trang 100. Mỗi trang có 3 khoảng trên giữa dưới, và dĩ nhiên có từ. Nhưng sách này cũng không ghi những chi tiết ấy.
- Phật học nghiên cứu thập bát thiên, của Lương Khải Siêu. Sách có 18 bài. Ký hiệu là Siêu, thí dụ Siêu 1/10, tức sách ấy, bài 1 trang 10.
<< | Index |
|