Quyển Thứ Tư
Phẩm Thứ Mười Bốn - Pháp Bất Cộng
Đức Thế Tôn lại bảo Bồ tát Hiền Hộ:
Nầy Hiền Hộ! Đại Bồ tát lại còn thành tựu mười tám pháp bất cộng. Những gì là bất cộng? Đó là: Như lai lúc vừa thành đạo đến khi vào Niết Bàn trong khoảng thời gian đó ba nghiệp của Như Lai được trí huệ lãnh đạo: 1. là tất cả thân nghiệp hành động theo trí huệ. 2. là tất cả khẩu nghiệp động tác theo trí huệ. 3. là tất cả ý nghiệp vận hành theo trí huệ. Lại nữa các đức Như Lai: 1 là thấy biết việc quá khứ không chướng ngại, 2 là thấy biết việc hiện tại không chướng ngại, 3 là thấy biết việc vị lai không chướng ngại. Lại nữa 1 là hành động Như Lai không lỗi lầm, 2 là lời lẽ không sơ sót, 3 là không vọng niệm, 4 là không dị tưởng riêng biệt, 5 là thường an trụ trong tam muội, 6 là Phật thông đạt hết tất cả pháp rồi mới xả bỏ, không có pháp biết rồi lại không xả, 7 là mong muốn độ chúng sanh tâm không nhàm chán, 8 là tinh tấn không giảm, 9 là Thiền định không giảm, 10 là Trí huệ không giảm, 11 là giải thoát không giảm, 12 là giải thoát tri kiến không giảm. Đây là 18 pháp bất cộng của Như Lai, các đại Bồ tát cần nên tu tập cho hoàn mãn.
Lại nầy Hiền Hộ! Đại Bồ tát thành tựu sức giữ vững chánh pháp sâu xa khó thấy tức muốn tuyên nói tam muội nầy nên cần phải nhận mười pháp. Mười pháp nầy chính là mười năng lực trí huệ của Như Lai. Thế nào là mười năng lực? Nầy Hiền Hộ! Trong đó Như Lai xứ phi lực nghĩa là Như Lai đối với các việc trái hay phải đều dụng chánh trí biết được như thật. Như lai được năng lực nầy nên đứng giữa đại chúng cất lời như tiếng rống của sư tử chuyển bánh xe pháp cao cả vĩ đại từ xưa nay chưa từng chuyển ngay cả Sa môn, Bà la môn, Trời, Phạm thiên, ma, người... trong tất cả thế gian chưa ai chuyển được. Hiền Hộ đây là trí lực thứ nhứt của Như lai, đại Bồ tát cần nên tu học hoàn mãn.
Nầy Hiền Hộ! Trí lực thứ hai là Năng lực trí huệ Như lai biết tất cả nơi chí xứ. Như lai dụng chánh trí biết như thật tất cả đường lối nguyên nhơn đưa đến kết quả. Như lai được năng lực nầy nên biết được sự chơn thật.
Nầy Hiền Hộ! Trí lực thứ ba: Năng lực trí huệ Như Lai biết các cảnh giới sai biệt của chúng sanh nơi thế gian đều dùng chánh trí biết như thật. Như lai có năng lực nầy nên biết sự thật.
Trí lực thứ tư: Năng lực trí huệ Như lai biết tất cả tâm hành. Như lai đối với các sự vận hành trong tâm của chúng sanh vô lượng sai biệt đều dùng chánh trí biết được như thật.
Trí lực thứ năm: Năng lực trí huệ như lai biết căn tánh sai biệt của chúng sanh. Như lai đối với căn tánh sai biệt của chúng sanh hoặc đặc thù hay yếu kém đều dùng chánh trí biết như thật.
Trí lực thứ sáu: Năng lực trí huệ như lai biết về thiền định. Như lai đối với các tam muội thiền định giải thoát, nguyên nhơn sanh khởi phiền não vào cách diệt trừ đều biết như thật bằng chánh trí.
Trí lực thứ bảy: Năng lực trí huệ như lai biết về nghiệp báo. Như lai đối với tất cả sự sai biệt về nghiệp và sự tương ưng thọ quả ở đời tương lai dù vô lượng sai biệt nhưng Như lai đều thấy biết như thật bằng chánh trí.
Trí lực thứ tám: năng lực trí huệ Như Lai biết bằng thiên nhãn. Đức Như lai thường dùng thiên nhãn thanh tịnh siêu việt nhục nhãn, thấy xa ở đời vị lai các chúng sanh chết ở đây sanh ra nơi kia, bọn họ thọ thân hoặc tốt xấu, lành dữ, vật chất thọ dụng hoặc đẹp, xấu, tốt, thô, hoặc sanh cõi lành hay sa đường ác, lại thấy chúng sanh tạo nghiệp lành hay dữ, có chúng sanh dẫy đầy ác nghiệp về hành động, lời lẽ, ý chí, hoặc chửi mắng thánh nhân, bài báng chánh pháp, phá hòa hiệp tăng.... đủ các ác nghiệp như thế sau khi chết phải đọa vào đường ác. Lại ngài cùng thấy chúng sanh gây các thiện nghiệp như thế sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời cõi người, các việc như thế đều biết như thật.
Trí lực thứ chín: Năng lực trí huệ biết túc mạng. Như lai dụng trí túc mạng biết về các việc đời trước, ngài biết chúng sanh đây chết kia, hoặc thọ sanh tại một chỗ một lần, hai lần, ba lần, năm hay mười lần, trăm ngàn lần cho đến vô lượng trăm ngàn lần, như thế cho đến vô lượng chuyển kiếp, vô lượng định kiếp, vô lượng chuyển bất chuyển kiếp.... Như Lai đều biết như thật. Lại nữa với nơi họ sanh ra: Chỗ như thế nào, nhà, dòng giống, tên họ tướng mạo, đời sống, ăn mặc, hành động, lành dữ, vui buồn khổ sướng như thế nào chí đến mạng sống bao lâu ngài đều biết hết như thật. Lại nữa sau khi chúng sanh bỏ thân cõi nầy lại sanh nơi khác thân tướng thế nào, lời nói kinh nghiệm, sức sống lâu như thế nào, các việc quá khứ như lai đều thấy biết như thật.
Trí lực thứ mười: Năng lực trí huệ vô lậu. Như lai trí huệ vô lậu. Như lai đã sạch hết các phiền não không còn lậu thất, tâm huệ giải thoát tự đã giác ngộ được các pháp rồi nên cất tiếng tự nói rằng: Đời nay ta đã xong, Phạm hạnh thành tựu, việc nên làm đã làm rồi, không còn thừa sót phiền não để tái sanh. Nầy Hiền Hộ! Như lai đã dứt sạch các lậu tâm huệ giải thoát tự giác các pháp nên mới nói như vậy.
Nầy Hiền Hộ! Như lai đầy đủ cả mười năng lực trí huệ như thế nên ở giữa đại chúng cất tiếng như sư tử rống xoay chuyển bánh xe pháp cao cả vĩ đại mà tất cả thế gian sa môn, bà la môn, thiên phạm thiên, ma, người... không ai có thể chuyển được. Bồ tát cần nên tu học hoàn mãn mười thứ trí lực như vậy.
Nầy Hiền Hộ! Nếu các đại Bồ tát thọ trì, đọc tụng suy gẫm, quán tưởng, tu tập môn tam muội nầy chắc chắn sẽ thu gồm được mười năng lực trí huệ của Như lai.
Đức Thế Tôn mới nói thêm bài kệ để lập lại nghĩa trên cho rõ:
Mười tám pháp giác ngộ bất động
Mười trí huệ lực Phật Phật đồng
Bồ tát tu tập diệu thiền nầy
Tự nhiên thành tựu cả hai món.
|