Kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba-La-Mật

Đời Lương, Ngài Tam Mạn Ðà La Tìên

Việt Dịch: HT Thích Minh Lễ

 

Tôi nghe như vầy vào khoảng thời gian đức Phật ngự tại tinh xá Kỳ Hoàn thuộc nước Xá Vệ có ngàn vị tỳ theo tăng và mười ngàn đại Bồ tát theo nghe pháp. Các vị nầy đều lấy sự trang sức cao cả để tự tô điểm mình, đều đã an trụ nơi từng bậc không còn thối chuyển, tên các ngài là: Di Lặc Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Vô Ngại Biện Bồ tát, Bất Xả Đởm Bồ tát cùng với một số các vị bồ tát như vậy câu hội. Trời vừa rạng sáng, đức Văn thù là bậc đại Bồ tát đồng chơn từ chỗ ngài ở qua đến nơi Phật ngự; qua đến, ngài đứng chờ Phật ngoài cửa. Lúc bấy giờ các đại Thinh văn Xá Lợi Phật, Phú Lầu Na Di Đa La Ni Tử, Đại mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Sy La đều từ chỗ các ngài ở qua yết kiến Phật, đến nơi đồng đứng chờ bên ngoài. Đức Phật biết đại chúng đã tụ tập đầy đủ cả rồi, ngài liền rời chỗ ở ra bên ngoài trải toạ cụ và ngồi lên trên đó.

Lúc đó Phật mới bảo Xá Lợi Phất:

Hôm nay ông có lý do gì trời vừa rạng sáng đã đến đứng chờ bên cửa?

Xá Lợi Phất thưa:

Bạch Thế Tôn! Ngài Văn Thù Sư Lợi đồng chơn Bồ tát đến đứng chờ bên cửa trước hơn hết, còn chúng con chỉ là kẻ đến sau thôi.

Phật liền day qua hỏi Văn Thù:

Có thật ông đến trước hết cả để mong yết kiến Như Lai phải không?

Bồ tát Văn Thù liền trả lời:

Đúng như thế, bạch Thế Tôn! Con thật đến đây mong yết kiến Như Lai, Tại sao con làm như thế? Thưa vì con hâm mộ chánh pháp, mong muốn đem lại sự lợi ích cho chúng sanh. Con quán sát Như Lai tướng như, tướng bất dị, tướng bất động, tướng bất tác, tướng vô sanh, tướng vô diệt, tướng bất hữu, tướng bất vô, bất trụ phương, bất ly phương, phi tam thế phi bất tam thế, phi nhị tướng phi bất nhị tướng, phi cấu tướng phi tịnh tướng... con vận dụng chánh quán Như Lai như thế để đem lại sự lợi ích chơn thật cho chúng sanh.

Đức Phật bảo Văn Thù:

Nầy Văn Thù! Nếu ông có đủ năng lực nhìn Như Lai tâm không giữ lại ấn tượng cũng không phải không giữ lại ấn tượng, không tích tập hình ảnh cũng không phải không tích tập.

Khi đó Xá Lợi Phất mới nói với Bồ tát Văn Thù:

Theo như lời ngài vừa nói sự thấy đức Như Lai của ngài thật là hiếm có trong đời. Vì tất cả chúng sanh để thấy Như Lai tâm không giữ lại ấn tượng hình ảnh chúng sanh, giáo hóa tất cả chúng sanh đưa họ hướng về Niết Bàn mà cũng không giữ lại tướng Niết Bàn, vì tất cả chúng sanh để tô bồi công đức vĩ đại nhưng tâm nào thấy tướng trạng tô điểm kia.

Ngài Văn Thù Sư Lợi đồng chơn Bồ tát liền nói với Xá Lợi Phất:

Đúng thế! Đúng Thế! Như lời ông vừa nói: đều vì tất cả chúng sanh tô bồi công đức vĩ đại nhưng tâm luôn luôn không thấy một chút tướng trạng chúng sanh, vì chúng sanh tu công lập đức cao cả nhưng chúng sanh giới cũng không có thêm hay bớt. Giả sử có một đức Phật ngự trong đời, ngài sống lâu được một kiếp hay hơn một kiếp, một thế giới do vị Phật nầy giáo hóa như vậy, rồi lại có vô lượng vô biên hằng hà sa các đức Phật khác nữa, mỗi một Phật như thế trụ ở thế gian một kiếp hay hơn một kiếp ngày đêm thuyết pháp trong tâm không có một niệm tạm dừng, mỗi một Phật độ được vô lượng Hằng hà sa chúng sanh làm cho số chúng sanh nầy đều thể nhập Niết Bàn. Nhưng chúng sanh giới cũng không thêm hay bớt... cho đến các đức Phật giáo hóa các thế giới trong khắp cả mười phương cũng như thế, mỗi một Phật thuyết pháp giáo hoá độ được vô lượng hằng hà sa chúng sanh đưa tất cả bọn họ đều vào Niết Bàn nhưng chúng sanh giới cũng không thêm hay bớt.

Tại sao vậy?

Vì định tướng chúng sanh là bất khả đắc, không thể tìm thấy được nên chúng sanh giới không hề tăng mà cũng không bao giờ giảm.

Xá Lợi Phất lại hỏi ngài Văn Thù:

Nếu chúng sanh giới không thêm cũng không bớt, tại sao Bồ tát lại vì chúng sanh để cầu trí giác vô thượng? Thường thực hành hạnh nói pháp?

Ngài Văn Thù hướng về Phật thưa rằng:

Nếu tất cả chúng sanh đều không tướng thì cũng không có việc Bồ tát cầu trí giác vô thượng và cũng không có chúng sanh để Bồ tát vì họ nói pháp. Tại sao vậy? Là vì trong pháp còn dạy ta không có một pháp nào là có thể được cả.

Liền đó Phật bảo Văn Thù:

Nếu không có chúng sanh, tại sao lại nói có chúng sanh và chúng sanh giới?

Văn Thù Sư Lợi thưa:

Tướng chúng sanh giới như chư Phật giới.

Chúng sanh giới là hữu lượng phải không?

Lượng chúng sanh giới như lượng chư Phật giới.

Lượng chúng sanh giới có bờ mé không?

Lượng chúng sanh giới thật ngoài vòng suy lường.

Tướng chúng sanh giới hữu trụ phải không?

Chúng sanh vô trụ dường như hư không.

Phật lại hỏi Văn Thù Sư Lợi:

Lúc tu Bát Nhã Ba La Mật như thế, sẽ như thế nào an trụ Bát Nhã Ba La Mật?

Văn Thù Sư Lợi đáp:

Lấy pháp bất trụ là an trụ Bát Nhã Ba La Mật.

Phật lại hỏi:

Thế nào là pháp bất trụ gọi là an trụ Bát Nhã Ba La Mật?

Dụng vô trụ tướng tức là trụ Bát Nhã Ba La Mật.

Phật bảo Văn Thù:

Lúc an trụ Bát Nhă Ba La Mật các thiện căn tăng trưởng thế nào? Tổn giảm ra sao?

Văn Thù Sư Lợi đáp:

Nếu đã an trụ Bát Nhã Ba La Mật như thế các thiện căn đă không tăng cũng không giảm cho đến tất cả pháp cũng không thêm cũng không bớt tánh tướng Bát Nhã Ba La Mật không tăng không giảm.

Bạch Thế Tôn! Tu Bát Nhã Ba La Mật như thế sẽ không bỏ pháp phàm phu nhưng cũng không nắm lấy pháp thánh hiền. Tại sao con nói thế? Là vì trụ Bát Nhã Ba La Mật thì không thấy pháp nào có thể nắm được hay buông bỏ. Tu Bát Nhã Ba La Mật cũng không thấy Niết Bàn đáng ưa thích, sanh tử nên gớm nhờm. Sao lại thế? Vì đã không thấy có sanh tử thì tại sao lại còn nhàm chán được. Đã không thấy có Niết Bàn làm sao còn thích ưa nữa. Nếu tu Bát Nhã Ba La Mật như thế sẽ không thấy phiền não nhơ nhớp đáng bỏ, công đức thanh tịnh nên cầu, đối với tất cả pháp tâm không lay động, đeo đuổi hay trốn chạy. Tại sao vậy? Vì không thấy pháp giới có tăng hay giảm, thuận hay nghịch. Bạch Thế Tôn! Nếu được như vậy mới gọi là tu Bát Nhã Ba La Mật.

Bạch Thế Tôn! Không thấy pháp có sanh có diệt là tu Bát Nhã Ba La Mật.

Bạch Thế Tôn! Không thấy các pháp có tăng có giảm tâm không mong cầu, không thấy pháp tướng nên tìm cầu, không thấy tốt đẹp hay xấu xa, không cho là cao thượng hay hạ tiện, không nắm giữ không buông bỏ. Tại sao vậy? Pháp không có tốt đẹp hay xấu xa vì ngoài hết các tướng. Pháp không có cao thượng hoặc hạ tiện vì đồng đẳng với pháp tánh. Pháp không nên nắm giữ hay buông bỏ vì trụ thật tế. Đó là tu Bát Nhã Ba La Mật.

Phật lại hỏi Văn Thù Sư Lợi:

Phải chăng pháp Phật chứng đắc được là không thù thắng?

Văn Thù Sư Lợi đáp:

Con không thấy pháp nào là có tướng thù thắng nhưng chỉ như như. Đức Như Lai tự giác biết hết tất cả pháp đều không, ngài đã chứng hiểu điều nầy.

Phật đáp:

Đúng thế! Đúng thế! Đức Như Lai Chánh Giác tự chứng pháp không.

Văn Thù hỏi Phật:

Bạch Thế Tôn! Trong pháp không lại có tướng thù thắng có thể nắm giữ được chăng?

Phật đáp:

Hay lắm! Tốt lắm! Nầy Văn Thù! Như lời ông vừa hỏi là chơn pháp phải không? Rồi Phật tiếp: Vô thượng có phải là Phật pháp không?

Văn Thù đáp:

Như lời Phật dạy vô thượng là Phật pháp, sao con lại nói thế? Là vì không có pháp nào có thể được đó là vô thượng.

Bạch Thế Tôn! Tu Bát Nhã Ba La Mật như thế không gọi là pháp khí, không phải là pháp phàm phu, cũng không phải là Phật pháp, không phải pháp tăng trưởng.

Bạch Thế Tôn! Lúc tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy có, pháp nào để mà phân biệt, suy gẫm.

Phật hỏi:

Ông đối với Phật pháp không suy gẫm sao?

Văn Thù Sư Lợi đáp:

Không phải thế, thưa Thế Tôn! Như con suy gẫm không thấy có Phật pháp, cũng không thể phân biệt là pháp phàm phu hay pháp Thinh văn hoặc pháp Bích Chi Phật. Như vậy gọi là Phật pháp vô thượng.

Lại nữa thưa Thế Tôn! Khi tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy tướng phàm phu không thấy tướng Phật pháp, không thấy các pháp có tướng quyết định. Khi tu Bát Nhã Ba La Mật cũng không thấy dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tịch diệt giới. Tại sao vậy? Vì hể thấy có pháp là có tướng diệt tận.

Khi tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy Phật pháp nên tìm cầu pháp phàm phu cần xả bỏ, không thấy phải trừ sạch pháp phàm phu không thấy tâm chứng biết Phật pháp.

Phật dạy:

Hay lắm! Tốt lắm! Nầy Văn Thù ông đã nói một cách hết sức sâu xa rõ ràng về tướng Bát Nhã Ba La Mật là pháp ấn mà đại Bồ tát cần tu học, đến ngay như hàng thinh văn, duyên giác, hữu học, vô học cũng không được bỏ rơi ấn chứng nầy để tu đạo quả.

Nầy Văn Thù! Nếu có ai vừa nghe được pháp nầy tâm không kinh hoàng sợ hãi, phải biết rằng người nầy đã từng vun trồng thiện căn trước một ngàn Phật cho đến cũng đã gieo giống công đức trước trăm ngàn ức đức Phật mới có đủ khả năng nghe pháp Bát Nhã Ba La Mật nầy mà không tự thấy run sợ.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Con muốn nói thêm ý nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật.

Phật đáp:

Được ông hãy nói đi!

Bạch Thế Tôn! Khi tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy pháp nào là nên trụ, cũng không thấy cảnh giới là nên giữ lấy hay buông bỏ. Tại sao thế? Vì các đức Như Lai không thấy tướng trạng cảnh giới chư Phật thì làm gì lại nắm giữ cảnh giới Thinh văn, Duyên giác, phàm phu. Không ghi giữ tướng nghĩ tưởng, cũng không giữ tướng không thể nghĩ lường được, tự chứng PHÁP KHÔNG ngoài lãnh vực trí thức không thấy các pháp có chừng ấy tướng trạng. Hàng đại Bồ tát tu tập được như vậy là đã từng cúng dường vô lượng trăm ngàn muôn ức các đức Phật, vun trồng các căn lành nên mới đủ khả năng lãnh hội pháp Bát Nhã Ba La Mật sâu xa mà không sanh tâm sợ hãi.

Thưa Thế Tôn! Lại nữa khi tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy bị trói buộc hay được cổi mở, đối với hạng phàm phu đến người trong ba thừa không thấy có tướng trạng sai biệt.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

Nầy Văn Thù! Còn ông đă có cúng dường bao nhiêu đức Phật!

Văn Thù đáp:

Con cùng các đức Phật tướng như ảo hóa, đã không thấy ai là người cúng dường ai là người nhận thọ.

Giờ đây ông an trụ Phật thừa sao?

Như con gẫm nghĩ đã không thấy dù là một pháp thì làm sao lại trụ nơi Phật thừa.

Như thế ông không đắc được Phật thừa phải không?

Như Phật thừa kia bất quá chỉ là một cái danh từ thôi không có thể nắm được cũng không thể thấy, con làm sao đắc?

Nầy Văn Thù! Ông đắc trí vô ngại phải không?

Con tức là vô ngại rồi, tại sao lại có chuyện dùng vô ngại để đắc vô ngại.

Ông ngồi ở đạo tràng phải không?

Tất cả các Như Lai đã không ngồi ở đạo tràng, tại sao con lại riêng rẻ một mình ngồi lại đạo tràng! Tại sao có việc như thế? Vì hiện thấy rằng các pháp trụ thật tế.

Thật tế là thế nào?

Thân kiến là thật tế.

Thế nào thân kiến là thật tế?

Thân kiến tướng như như, không phải thật không phải hư, không đi không lại, cũng là thân lại cũng không phải là thân đó là thật tế.

Xá Lợi Phất thưa Phật:

Bạch Thế Tôn! Nếu ai nhận định rõ ràng được thật nghĩa nầy gọi là đại Bồ tát. Tại sao con nói như vậy? Là vì họ là người có đủ năng lực lãnh hội Bát Nhã Ba La Mật cao xa tâm lại không hề sợ hãi, không kinh hoàng, không hối hận.

Di lặc Bồ tát cũng thưa với Phật:

Bạch Thế Tôn! Người nghe bát nhã ba la mật như thế hoàn mãn pháp tướng tức là đã gần kề chỗ Phật ngồi. Tại sao? Vì đức Như Lai hiện giác ngộ pháp tướng này.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch:

Thưa Thế Tôn! Người nghe Bát Nhã Ba La Mật cao xa nầy không sợ hãi, không kinh hoàng, không mê muội, không hối hận phải biết họ đã được thấy đức Phật.

Khi đó có vị tín nữ tên là Vô Tướng cũng cất lời thưa Phật:

Bạch Thế Tôn! Pháp phàm phu, Thinh văn, Bích Chi Phật, Bồ tát, Phật....các pháp này đều là vô tướng. Thế nên nghe được bát nhã ba la mật không sợ hãi, không kinh hoàng, không mê muội, không hối hận. Tại sao? Vì tất cả pháp vốn là vô tướng.

Phật dạy Xá Lợi Phất:

Nầy Xá Lợi Phất! Có kẻ thiện nam thiện nữ nào nghe được Bát Nhã Ba La Mật cao xa như vậy tâm nhận chân được không sợ hãi, không kinh hoàng, không mê muội, không hối hận. Ông nên biết rằng người nầy trụ được địa vị bất thối chuyển.

Nếu có người nghe Bát Nhã Ba La Mật tâm họ không sợ hãi lại ưa thích vâng giữ, vui mừng không có niệm chán nhàm tức là đã hoàn mãn bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật, bát nhã ba la mật. Họ lại có đủ khả năng trình bày rõ ràng về Bát Nhã Ba La Mật cho kẻ khác tin hiểu, y theo lời dạy để rồi thực hành.

Phật lại bảo Văn Thù Sư Lợi:

Ông quán sát nghĩa nào để đắc vô thượng chánh đẳng giác, an trụ vô thượng chánh đẳng giác?

Văn Thù đáp:

Con không đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, đã không an trụ Phật thừa thì sao lại còn sẽ đắc vô thượng chánh đẳng giác? Như lời con vừa nói tức là tướng chánh giác.

Phật khen Văn Thù:

Hay lắm! Đúng lắm! Ông có đủ năng lực đối với pháp cao xa nầy diễn nói ý nghĩa của nó một cách hết sức khéo léo. Ông từng theo các Phật đời quá khứ vun trồng căn lành đã lâu lắm rồi, dụng vô tướng pháp tịnh tu phạm hạnh.

Văn Thù thưa:

Thông thường thấy có tướng nên lúc không lại nói là không tướng, nhưng con hiện nay không thấy có tướng cũng không thấy không tướng sao ngài lại nói rằng con dùng vô tướng pháp tịnh tu Phạm hạnh?

Phật hỏi Văn Thù:

Ông thấy giới Thinh văn không?

Thấy.

Ông thấy thế nào?

Con không khởi sự thấy theo phàm phu, thấy theo thánh hiền, thấy theo bực còn tu học, thấy theo bực đã đạt đạo, thấy theo đại thừa, thấy theo tiểu thừa, thấy đã được điều phục, thấy không phải điều phục nữa, không phải thấy mà cũng không phải không thấy.

Xá Lợi Phất mới hỏi Văn Thù:

Hiện giờ ông quán thấy Thinh văn thừa như thế, còn như quán Phật thừa sẽ ra sao?

Văn Thù đáp:

Không thấy Bồ tát pháp cũng không thấy tu hạnh bồ đề và người chứng quả bồ đề.

Xá Lợi Phất lại hỏi:

Thế nào là Phật? Thế nào là quán?

Văn Thù hỏi gặn lại:

Thế nào là ta?

Ta chẳng qua chỉ là danh tự mà thôi, danh tự lại không tướng.

Đúng thế! Đúng thế! Như cái Ta cũng chỉ là danh tự, Phật cũng chỉ là một thứ danh tự khác thôi. Tướng danh tự không tức là Bồ đề, không chạy theo danh tự để tìm cầu tướng Bồ đề, tướng Bồ đề ngoài tất cả ngôn thuyết. Tại sao? Vì ngôn thuyết và bồ đề cả hai đều không.

Lại nầy Xá Lợi Phất! Ông hỏi ta thế nào là Phật? Thế nào là quán? Quán Phật là nhận chân được không sanh, không diệt, không đi không lại không phải danh không phải tướng đó gọi là Phật. Như tự quán thân thật tướng quán Phật cũng như thế, chỉ có bậc trí là hiểu biết được thôi, như trên gọi là quán Phật.

Ngay khi ấy Xá Lợi Phất thưa lại Phật:

Bạch Thế Tôn! Như lời ngài Văn Thù nói về Bát Nhã Ba La Mật thật không phải là lãnh vực hiểu biết của hàng sơ học Bồ tát.

Ngài Văn Thù tiếp lời:

Chẳng những sơ học Bồ tát không thể hiểu nổi ngay như hàng nhị thừa công hạnh đã hoàn mãn cũng còn không đủ năng lực để hiểu được, pháp ta nói như thế khó có ai có thể hiểu được. Tại sao? Vì tướng Bồ đề thật không thể dựa theo một pháp nào để hiểu biết về nó được, không thấy không nghe không nhớ không sanh không diệt, không nói không nghe, tánh tướng bồ đề không tịch như thế không chứng không biết, không hình không tướng sao lại nói sẽ có nguời đắc bồ đề?

Xá Lợi Phất lại hỏi Văn Thù:

Phật ở nơi pháp giới không chứng Bồ đề sao?

Không phải thế đâu!

Nầy Xá Lợi Phất! Tại sao ta nói thế? Là vì đức Thế Tôn tức là pháp giới, đâu có chuyện dùng pháp giới để chứng pháp giới!

Xá Lợi Phất! Tướng của pháp giới tức là Bồ đề. Tại sao vậy? Vì trong pháp giới không có tướng chúng sanh, bởi lẽ tất cả pháp đều không. Tất cả pháp đều không tức là Bồ đề, không nhị tướng ngoài tất cả sự phân biệt.

Xá Lợi Phất! Trong sự không phân biệt sẽ không có kẻ biết, không có kẻ biết tức là không có ngôn thuyết, không có tướng ngôn thuyết tức không phải hữu không phải vô, không phải biết không phải không biết tất cả pháp đều như thế. Tại sao? Vì tất cả pháp đều ngoài hết các sự thấy biết tánh tự quyết định như tội nghịch không thể suy lường được. Sao ta lại nói thế? Là vì thật tướng các pháp không thể bị hủy hoại, tội nghịch giống như vậy cũng không bổn tánh không sanh lên trời không rơi vào địa ngục cũng không thể nhập Niết Bàn. Tại sao? Vì tất cả nghiệp duyên đều trụ thật tế không đi, không đến không phải nhơn không phải quả. Tại sao?

Vì pháp giới không biên giới không có khoảng trước phía sau. Thế nên Xá Lợi Phất! Nếu người thấy có tỳ kheo nào phạm trọng giới không sa vào địa ngục kẻ thanh tịnh tu hành không nhập Niết Bàn, Tỳ kheo như thế không phải nên cúng dường không phải không nên cúng dường, không phải sạch hết phiền não không phải còn phiền não.

Tại sao?

Vì đối với các pháp tâm vẫn một mực bình đẵng.

Thế nào gọi là pháp nhẫn bất thối?

Không có chút pháp nào hơi có một ít tướng sanh diệt đó là pháp nhẫn bất thối.

Thưa còn thế nào là tỳ kheo không điều phục?

Hàng A La Hán dứt sạch hết phiền não chính là hạng không điều phục. Tại sao? Là vì các kiết sử đã trừ sạch rồi nên không còn gì cần phải điều phục nên gọi là không điều phục.

Nếu tâm hành lỗi lầm gọi là phàm phu, vì chúng sanh phàm phu không thuận theo pháp giới nên gọi là lỗi lầm.

Hay lắm! Như lời ngài dạy bây giời tôi mới hiểu được rõ ràng nghĩa A La Hán dức sạch hết các phiền não.

Đúng như vậy! Ta đây tức là chơn thật A La Hán sạch hết phiền não, vì ta đã dứt bỏ được lòng mong muốn cầu kết quả Thinh văn, Bích Chi Phật, thế nên mới gọi là dứt sạch phiền não đắc quả A La Hán.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

Lúc các Bồ tát ngồi nơi đạo tràng có giác ngộ được vô thượng bồ đề không?

Bồ tát lúc ngồi nơi đạo tràng không có giác ngộ vô thượng bồ đề. Tại sao con nói thế? Như tướng bồ đề không có mảy may pháp nào là có thể đắc được nên gọi là vô thượng bồ đề. Bồ đề vô tướng không ai có thể ngồi lại cũng không ai có thể đứng dậy. Vì lý do nầy con không thấy Bồ tát ngồi nơi đạo tràng cũng không thấy giác ngộ chứng đắc vô thượng bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Bồ đề tức là ngũ nghịch, ngũ nghịch tức là Bồ đề, Bồ đề và ngủ nghịch không phải hai tướng sai khác nhau không có sự giác ngộ không có kẻ giác, không có sự thấy không có nguời thấy, không có sự biết không có người biết, không có sự phân biệt không có người phân biệt...các tướng như thế gọi là Bồ đề, thấy tướng ngũ nghịch cũng giống như vậy. Nếu có ai nói rằng thấy Bồ đề để mà thủ chứng, nên biết người nầy thuộc vào hạng tăng thượng mạn.

Ngay khi đó Phật baỏ Văn Thù Sư Lợi:

Ông nói ta LÀ ( ) Như Lai, cũng có nghĩa ta LÀM ( ), Như Lai phải không?

Không phải thế thưa Thế Tôn! Con đã không nói Như Lai làm Như Lai sao? Không có tướng NHƯ để có thể nói LÀM NHƯ. Cũng không có Như Lai và trí không có hai tướng riêng biệt. Tánh KHÔNG làm Như Lai chỉ có danh tự, làm sao con lại nói LÀ Như Lai được?

Phật hỏi:

Ông nghi Như Lai sao?

Thưa không, bạch Thế Tôn! Con quán sát Như Lai không có tánh quyết định không sanh không diệt nên không còn mối hoài nghi nào.

Hiện nay ông không nghĩ Như Lai xuất hiện nơi thế gian sao?

Nếu có Như Lai xuất hiện nơi thế gian, tất cả pháp giới cũng sẽ hiện diện nơi đời.

Ông cho rằng tất cả đức Phật nhiều như số cát sông Hằng thể nhập Niết Bàn chăng?

Các đức Phật duy nhứt tướng ngoài hết các sự hiểu biết suy lường.

Đúng thế! Đúng thế! Phật là nhứt tướng, tướng không thể suy lường được.

Bạch Thế Tôn! Hiện nay Phật trụ ở đời phải không?

Đúng như thế.

Nếu Phật trụ ở đời, các đức Phật nhiều như số các sông Hằng đáng lý ra cũng trụ ở đời. Tại sao con nói như thế? Là vì tất cả các đức Phật đều đồng nhứt tướng, tướng không thể suy lường.

Tướng không thể suy lường đó là không sanh không diệt. Nếu các đức Phật đời vị lai xuất hiện nơi thế gian, tất cả đức Phật khác cũng đều xuất hiện nơi thế gian. Tại sao? Là vì trong sự không thể suy lường không có tướng trụ quá khứ, vị lai, hiện tại, chỉ do chúng sanh chấp trước giữ lại cho rằng Phật có xuất thế, có diệt độ.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

Đây thuộc phạm vi hiểu biết của Như Lai, A La Hán, Bồ Tát bất thối chuyển. Tại sao vậy? Là vì ba hạng nầy nghe được pháp sâu xa không sanh tâm hủy báng cũng không khen ngợi.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Đã là ngoài tất cả sự suy lường như vậy thì làm sao ai sẽ hủy báng? Ai sẽ ngợi khen?

Phật đáp:

Nầy Văn Thù! Như Lai ngoài các sự nghĩ lường, phàm phu cũng ngoài các sự nghĩ lường.

Thưa Thế Tôn! Phàm phu cũng ngoài các sự nghĩ lường phải không?

Cũng ngoài các sự nghĩ lường. Tại sao? Là vì tất cả tâm tướng đều ngoài hết mọi sự nghĩ lường.

Nếu nói như thế. Như Lai ngoài các sự nghĩ lường, phàm phu cũng ngoài các sự nghĩ lường. Hiện nay vô số các đức Phật cầu Niết Bàn chỉ luống phí công lao khó nhọc. Tại sao con nói thế? Vì pháp ngoài các sự nghĩ lường tức là Niết Bàn. Vì cả hai bình đẵng không có sai biệt.

Nếu có thiện nam thiện nữ nào đã từng tu tập các căn lành trong thời gian lâu xa gần gũi thiện tri thức mới biết được là phàm phu ngoài các sự suy lường, chư Phật ngoài các sự nghĩ lường như thế.

Phật lại bảo Văn Thù Sư Lợi:

Ông muốn đặt Như Lai lên bậc tối thắng giữa chúng sanh phải không?

Con muốn đặt Như Lai lên bậc tối thắng đệ nhứt giữa các chúng sanh. Nhưng chúng sanh tướng cũng không có thể tìm được.

Ông muốn để Như Lai đắc pháp khó thể suy lường được phải không?

Con muốn để Như Lai đắc pháp khó thể suy lường nhưng nơi các pháp không có sự thành tựu.

Ông muôn khiến Như Lai nói pháp giáo hóa phải không?

Con muốn Như Lai nói pháp giáo hóa nhưng người nói và kẻ nghe đều không có thể được. Tại sao? Là vì an trụ pháp giới. Pháp giới chúng sanh không có tướng sai biệt.

Ông muốn đặt Như Lai là ruộng phước vô thượng phải không?

Như Lai là ruộng phước vô tận, là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là ruộng phước vô thượng. Không phải ruộng phước không phải không ruộng phước, không có các tướng trạng sáng tối sanh diệt đó là ruộng phước. Nếu ai có khả năng hiểu được tướng ruộng phước như thế sẽ vun trồng căn lành một cách vững chắc không tăng cũng không giảm.

Thế nào là vun trồng không tăng không giảm.

Tướng trạng của ruộng phước thật hết sức khó suy lường được nếu có ai an trụ trong đây đúng như chánh pháp tu tập thiện căn thật cũng khó có thể suy lường được, vun trồng như thế gọi là không tăng không giảm, cũng là ruộng phước tối thắng vô thượng.

Ngay khi ấy nhờ thần lực của Phật cả mặt đất đều chấn động sáu cách biểu hiện tướng vô thường, một muôn sáu ngàn người liền đó đắc pháp nhẫn vô sanh, bảy trăm tỳ kheo ba ngàn cư sĩ nam, bốn muôn cư sĩ nữ sáu mươi ức na do tha các vị trời cõi lục dục tất cả số người trên đều xa lìa trần cấu đắc pháp nhãn thanh tịnh đối với các pháp.

Lúc đó A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo qua một bên bày vai mặt gối quỳ chấm đất cất lời hỏi Phật:

Thưa Thế Tôn! Vì lý do gì mặt đất chấn động sáu cách như thế?

Phật đáp:

Vì ta nói về tướng trạng không sai biệt của ruộng phước nên có điểm lành như thế hiển hiện ra. Ngày xưa các đức Phật cũng ngự ở nơi nầy nói về tướng ruộng phước như thế để gây sự lợi ích cho chúng sanh, ngay khi đó các thế giới khắp cả mười phương cũng đều chấn động sáu cách.

Xá Lợi Phất bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Ngài Văn Thù Sư Lợi là không thể suy lường được vì ngài nói về pháp tướng không thể suy lường được.

Phật day qua Văn Thù Sư Lợi nói:

Đúng như thế! Như lời Xá Lợi Phất vừa nói, pháp được ông nói ra thật là không thể suy lường được.

Văn Thù bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Sự không thể suy lường không thể nói ra được, nghĩ lường được cũng không thể nói. Tánh của nghĩ lường được, không thể nghĩ lường đều không thể dùng lời lẽ diễn đạt. Tất cả tướng trạng của tiếng nói không phải là nghĩ lường được cũng không phải là không thể nghĩ lường được.

Phật hỏi:

Ông nhập vào tam muội không thể nghĩ lường có phải không?

Thưa không phải thế! Bạch Thế Tôn! Con tức là không thể nghĩ lường không thấy có tâm có thể nghĩ lường, thế thì tại sao nói nhập vào tam muội không thể nghĩ lường được? Lúc con mới phát tâm muốn nhập định nầy nhưng giờ đây nghĩ lại thật không có tướng tâm để nhập tam muội. Như kẻ học bắn tên tập mãi sẽ giỏi, về sau dù vô tâm nhưng do đã quen rồi tên vừa bắn ra mủi mủi đều trúng đích. Con cũng thế lúc ban sơ học về tam muội không thể nghĩ lường chú tâm chỉ duyên theo một chỗ, khi đã tập lâu thành thói quen rồi không còn tâm tưởng nhưng luôn luôn hòa hợp với định.

Xá Lợi Phất mới hỏi Văn Thù Sư Lợi:

Còn có định tịch diệt thắng diệu phải không?

Văn Thù đáp:

Nếu như có định không thể nghĩ lường thì ông nên hỏi còn có định tịch diệt phải không ta sẽ theo ý đó để giải thích ra. Định không thể nghĩ lường còn không có thể được thì tại làm sao ông còn hỏi có định tịch diệt không!

Xá Lợi Phất lại hỏi:

Định không thể nghĩ lường không thể đắc phải không?

Định nghĩ lường được là tướng có thể đắc. Định không thể nghĩ lường được là tướng không thể đắc, tất cả chúng sanh thật thành tựu định không thể nghĩ lường. Tại sao? Vì tướng tất cả tâm tức không phải là không thể nghĩ lường được. Thế nên tướng tất cả chúng sanh và tướng tam muội không thể nghĩ lường bình đẳng nhau không có sai biệt.

Phật khen ngài Văn Thù:

Hay lắm! Hay lắm! Nầy Văn Thù! Ông đã từng đích thân vun trồng các căn lành tịnh tu Phạm hạnh trước nhiều đức Phật mới có khả năng diễn nói tam muội sâu xa nầy. Ông hiện giờ an trụ trong Bát Nhã Ba La Mật như thế.

Văn Thù Sư Lợi thưa:

Nếu con an trụ trong Bát Nhã Ba La Mật, nếu con nói như vậy tức là hữu tưởng liền đó kẹt vào ngã tưởng, Bát Nhã Ba La Mật sẽ có nơi chốn. Nếu Bát Nhã Ba La Mật nằm vào không cũng là ngã tưởng cũng gọi là nơi chốn. Vượt lên trên hai tướng trạng hữu (có) vô (không) an trụ vào vô sở trụ như chư Phật trụ, ở vào chốn tịch diệt không phải là cảnh giới có thể nghĩ lường được, không thể nghĩ lường được như thế mới gọi là chỗ an trụ của Bát Nhã Ba La Mật. Chỗ Bát Nhã Ba La Mật là tất cả pháp vô tướng, tất cả pháp vô tác. Bát Nhã Ba La Mật tức là không thể nghĩ lường, không thể nghĩ lường tức là pháp giới, pháp giới tức là vô tướng, vô tướng tức là không thể nghĩ lường, không thể nghĩ lường tức là Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật cùng pháp giới không phải hai cũng không sai biệt. Không hai không sai biệt tức là pháp giới, pháp giới tức là vô tướng, vô tướng tức là Bát Nhã Ba La Mật giới, Bát Nhã Ba La Mật giới tức là bất tư nghị giới, bất tư nghị giới tức là Vô sanh vô diệt giới, Vô sanh vô diệt giới tức là bất tư nghị giới.

Như Lai giới và ngã giới không phải là hai tướng, tu Bát Nhã Ba La Mật như thế thời không cầu quả Bồ đề. Tại sao? Vì rời tướng Bồ đề tức là Bát Nhã Ba La Mật.

Thưa Thế Tôn! Nếu biết ngã tướng nhưng không say đắm, không biết, không dính khắn đó là chỗ biết của Phật không thể nghĩ lường, không biết không dính khắn vào tức là chỗ biết của Phật. Tại sao? Vì biết thể bổn tánh vốn không có tướng làm sao lại hoán chuyển pháp giới. Nếu biết bổn tánh là không thể tức là không vật. Nếu không vật là không nơi chốn, không nơi nương tựa, không nơi an trụ. Không nương tựa, không an trụ tức là không sanh không diệt. Không sanh không diệt tức là công đức hữu vô vi. Nếu đã biết được như thế sẽ không còn tâm tưởng, đã không tâm tưởng tại sao lại biết công đức hữu vi vô vi? Không biết tức là không thể suy lường, không thể suy lường là sự biết của Phật, không nắm giữ cũng không phải không nắm giữ, không thấy tướng trạng di động ba thời gian, không nắm giữ sanh diệt và các tác động, cũng không phải hư vô cũng không thường hằng. Biết như thế gọi là chánh trí, bất tư nghị trí như hư không không đây không kia không có gì có thể so sánh được không xấu tốt không đẳng đẳng không tướng mạo.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

Nếu trí biết được như thế gọi là bất thối trí.

Vô tác trí là bất thối trí, giống như quặng vàng trước tiên phải dùng chày búa đập sau đó mới nhận chân được giá trị vàng tốt xấu, nếu như không đập làm sao biết được? Trí bất thối cũng như vậy, cần phải trải qua những cảnh giới không ghi nhớ, không đam mê, không tưởng, không nghĩ hoàn toàn không lay động không sanh không diệt nó mới hiển hiện ra.

Như đức Như Lai nói về trí mình ai sẽ tin nhận được?

Trí như thế không phải là pháp Niết Bàn, không phải pháp sanh tử, là sự vận hành tịch diệt, là hành không động, không trừ tham dục sân hận ngu si, cũng không phải không trừ ba độc. Tại sao như thế? Vì không có sự tận diệt, không ly sanh tử cũng không phải không ly sanh tử, không tu đạo cũng không phải không tu đạo....ai hiểu được thế nầy sẽ là chánh tín.

Hay lắm! Hay lắm! Như Ông vừa nói thật đã hiểu rõ ràng ý nghĩa này.

Khi ấy Ma Ha Ca Diếp thưa với Phật:

Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lai nếu có người nào nói về chánh pháp sâu xa như thế ai sẽ có khả năng để tín hiểu rồi theo như chỗ vừa nghe được để thực hành.

Phật dạy:

Nầy Ca Diếp! Các Tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ hiện dự pháp hội nghe được kinh nầy các người như thế ở vào đời vị lai nếu được nghe pháp nầy quyết định họ có thể có đủ khả năng hiểu biết và tin nhận Bát Nhã Ba La Mật ý nghĩa cao xa. Họ có thể đọc tụng thọ trì cũng lại đủ năng lực diễn nói một cách rõ ràng cho kẻ khác nghe.

Thí dụ như có một ông phú hộ làm rớt mất viên ngọc ma ni nên ông ta buồn rầu khổ sở, sau đó tìm gặp lại được lòng ông vui mừng khôn cùng. Cũng giống như thế đó Ca Diếp! Tỳ kheo tỳ kheo ni cư sĩ nam cư sĩ nữ có tâm tin và ưa thích, nếu như chưa được nghe pháp chắc chắn họ sẽ buồn rầu khổ sở, lúc nghe được pháp tin hiểu được ra công thọ trì ham thích đọc tụng tâm hết sức vui sướng, ông phải biết những người như vậy tức là thấy Phật cũng tức là gần gũi cúng dường các đức Phật.

Như cây Ba lợi Chất Đa La trên cõi trời Đao Lợi vừa trổ nụ, các vị trời khi nhìn thấy cây lòng đều vui vẻ định chắc không bao lâu hoa sẽ trổ ra. Cũng như vậy đối với các tỳ kheo tỳ kheo ni cư sĩ nam cư sĩ nữ nào nghe Bát Nhã Ba La Mật và hiểu được hạng nầy không bao lâu cũng sẽ trổ sanh tất cả Phật pháp. Trong đời vị lai có hạng xuất gia tại gia nam hay nữ nghe được Bát Nhã Ba La Mật tin nhận đọc tụng trong tâm không có sự đắn đo do dự, ông nên biết rằng những người như vậy đã từng nghe kinh đó, từ pháp hội nầy lại đủ khả năng truyền bá ra cho trong thôn xóm đám đông người nghe. Hạng người nầy được các đức Phật che chở.

Nầy Ca Diếp! Kẻ thiện nam thiện nữ nào đối với Bát Nhã Ba La Mật cao xa như thế có đủ khả năng tin nhận và hiểu biết không còn chút nghi ngờ, ông phải biết rằng hạng này đã từng theo các đức Phật đời vừa qua tu học, vun trồng rất nhiều căn lành trước các đức Phật này.

Thí như có người đang xỏ chuổi bỗng nhiên gặp được một viên ngọc ma ni vô giá giữa đống hột chuỗi kia lòng hết sức vui mừng, phải biết rằng kẻ nầy từng biết giá trị về ngọc ma ni vô giá nên nhận được nó liền hiểu ngay giá trị sanh tâm vui mừng. Cũng giống như vậy nầy Ca Diếp! Có các thiện nam thiện nữ nào tu học về các pháp khác bỗng may đâu nghe được pháp vô giá Bát Nhã Ba La Mật nầy, lòng họ sướng run lên, ông nên biết rằng họ đã từng nghe Bát Nhã cho nên mới tin nhận một cách dễ dàng như thế.

Nếu có chúng sanh nào nghe được Bát Nhã Ba La Mật cao xa nầy tâm đã tin nhận lại còn sanh vui mừng, các chúng sanh nầy cũng đã từng thân cận vô số các đức Phật theo các ngài nghe pháp Bát Nhã Ba La Mật và đã từng tu học rồi.

Thí dụ như có người đã đi qua một tòa thành lớn, về sau vừa nghe người nào nhắc đến tòa thành lớn nầy trong đó có nào ruộng vường ao suối cây trái trai gái dân chúng đáng ưa đáng mến. Người nầy vừa nghe liền hết sức vui mừng lại còn khuyên người kia hãy nhắc rõ thêm chi tiết ruộng vườn trong thành rất trù phú, dọc theo hai bên ao suối thường có nhiều hoa cỏ lạ lùng, có nhiều loại cây có trái ngon ngọt, những thắng tích đẹp đẽ...tất cả mọi thứ đều dễ say lòng người, người nầy được nghe thêm chi tiết lại càng vui mừng hơn, các hình ảnh cũ lần lượt hiện rõ ràng trong trí họ, vì họ đã từng thấy. Cũng giống như thế đó, Ca Diếp! Kẻ thiện nam thiện nữ nào nghe pháp Bát Nhã Ba La Mật sanh tâm tin nhận thọ lãnh vui mừng hớn hở không có chút chán nhàm lại còn ra sức khuyên bảo người khác nghe ông phải biết rằng hạng người nầy đã từng nghe pháp Bát Nhã Ba La Mật từ ngài Văn Thù Sư Lợi rồi.

Ca Diếp lại bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Nếu trong đời tương lai có kẻ thiện nam thiện nữ nào nghe được pháp Bát Nhã Ba La Mật tin ưa nhận lãnh, do những tướng trạng nầy biết rằng họ từng nghe và tu học pháp Bát Nhã trong các pháp hội của chư Phật đời quá khứ rồi.

Văn Thù Sư Lợi thưa với Phật:

Bạch Thế Tôn! Phật nói các pháp vô tác vô tướng tịch diệt đệ nhứt, nếu như có thiện nam thiện nữ nào có khả năng hiểu chắc thật nghĩa này, y đúng theo chỗ nghe để giảng nói, được các đức Phật khen ngợi không trái nghịch với pháp tướng, lời họ nói tức là lời Phật nói, cũng là tướng Bát Nhã Ba La Mật rõ ràng cũng là hoàn mãn Phật pháp rõ ràng thông đạt được thật tướng không thể suy lường được.

Phật bảo Văn Thù:

Khi xưa lúc ta thực hành hạnh Bồ tát tu các thiện căn muốn trụ được ngôi vị bất thối chuyển nên phải học Bát Nhã Ba La Mật, muốn thành tựu trí giác vô thượng nên phải học Bát Nhã Ba La Mật.

Nếu có thiện nam thiện nữ nào muốn thông hiểu tất cả pháp tướng, muốn biết rõ tâm giới của tất cả chúng sanh đều đồng đẳng nên cần phải học Bát Nhã Ba La Mật.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Ai muốn học tất cả Phật pháp hoàn toàn không còn bị điều gì chướng ngại nên học về Bát Nhã Ba La Mật, muốn học về tất cả sự kiện về Phật đà lúc ngài đạt được trí giác vô thượng những tướng đẹp, cử chỉ đi đứng lễ nghi khuôn phép của ngài cũng nên học về Bát Nhã Ba La Mật. Muốn biết sự kiện Phật thành đạo cách xử sự của ngài nên phải học về Bát Nhã Ba La Mật.

Tại sao ta lại dạy như thế?

Vì trong pháp không, nào thấy có các Phật và trí giác Bồ đề.

Nếu có thiện nam thiện nữ nào muốn biết các việc như thế một cách rõ ràng không còn nghi hoặc gì nữa nên học về Bát Nhã Ba La Mật. Tại sao cần học? Là vì trụ nơi Bát Nhã Ba La Mật không thấy các pháp hoặc sanh hay diệt, nhơ hay sạch, thế nên thiện nam thiện nữ nên thể nhập Bát Nhã Ba La Mật như vậy.

Muốn biết tất cả pháp không có các tướng quá khứ, vị lai, hiện tại phải cần nên học Bát Nhã Ba La Mật. Tại sao? Là vì tướng pháp giới không có quá khứ, vị lai và hiện tại.

Muốn biết tất cả pháp đều nằm trong pháp giới tâm không quái ngại nên học Bát Nhã Ba La Mật.

Muốn thông đạt được pháp luân ba lần chuyển mười hai hành cùng chứng biết được nhưng không đắm trước cần nên học về Bát Nhã Ba La Mật.

Muốn được tâm từ trùm khắp tất cả chúng sanh không có giới hạn lại cũng không nghĩ có chúng sanh tướng nên phải học Bát Nhã Ba La Mật.

Muốn đắc được sự không khởi niệm trái nghịch đối với chúng sanh cũng không giữ lại hình ảnh không trái nghịch cần phải học về Bát Nhã Ba La Mật.

Muốn biết về mười năng lực trí huệ, bốn món không sợ hãi, an trụ Phật trí huệ, đắc biện tài vô ngại đều nên phải học về Bát Nhã Ba La Mật.

Khi đó Văn Thù lại bạch với Phật:

Thưa Thế Tôn! Con muốn quán sát chánh pháp: vô vi, vô tướng, vô đắc, vô lợi, vô sanh, vô diệt, vô lai, vô khứ, không người biết không người thấy, không người tạo tác ra, không thấy Bát Nhã Ba La Mật cũng không thấy cảnh giới Bát Nhã Ba La Mật, không phải chứng không phải không chứng, không khởi kiến thức sai lạc, không có phân biệt, tất cả pháp vô tận ngoài các sự tận hết, không có pháp phàm phu, pháp Thinh Văn, pháp Bích Chi Phật, không có Phật pháp, không phải đắc không phải không đắc, không xả bỏ sanh tử không phải không chứng nhập Niết Bàn, không phải nghĩ lường không phải không nghĩ lường, không phải tác động không phải không tác động, pháp tướng như vậy không biết làm thế nào để học về Bát Nhã Ba La Mật?

Phật đáp:

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu biết về các tướng như trên được rồi tức gọi là học Bát Nhã Ba La Mật.

Đại Bồ tát muốn tu học trí giác bồ đề tự mình an trụ tam muội, đắc được tam muội nầy rồi soi thấu rõ tất cả Phật pháp sâu xa và biết tất cả danh tự của chư Phật cùng thông đạt hết tất cả thế giới các đức Phật không bị trở ngại bởi vật gì ngăn trở, đại Bồ tát nào muốn thế cần nên học về Bát Nhã Ba La Mật như lời Văn Thù Sư Lợi vừa dạy.

Văn Thù bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Vì lý do gì lại gọi là Bát Nhã Ba La Mật?

Phật đáp:

Bát Nhã Ba La Mật là không ngăn cách bởi không gian, không giới hạn bởi thời gian, không tên không tướng trạng, không phải là sự suy lường không chỗ về, không nơi căn cứ, không sự vi phạm, không phước, không tối tăm, không sáng soi...như pháp giới bao la không ranh giới không bị số lượng thời gian không gian chia cách...như thế gọi là Bát Nhã Ba La Mật, cũng là lãnh vực thực hành của đại Bồ tát, không phải sự thực hành cũng không phải không sự thực hành đều xuôi về nhứt thừa gọi là không phải đường lối thực hành. Tại sao? Bởi vì không nghĩ nhớ không tác động.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Phải làm thế nào để mau chóng chứng được trí giác vô thượng bồ đề.

Phật đáp:

Nầy Văn Thù! Y theo lý thuyết về pháp Bát Nhã Ba La Mật mà thực hành sẽ được mau chóng chứng được trí giác vô thượng. Ngoài ra lại có tam muội NHỨT HẠNH, nếu có thiện nam thiện nữ nào tu được tam muội nầy cũng mau được chứng đắc trí giác vô thượng.

Văn Thù bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Như thế nào là tam muội NHỨT HẠNH?

Phật dạy:

Pháp giới nhứt tướng, chăm chú theo dõi gọi là tam muội Nhứt Hạnh. Nếu có thiện nam thiện nữ nào muốn thể nhập tam muội Nhứt Hạnh nên trước tiên hết phải nghe Bát Nhã Ba La Mật, thể theo lời vừa nghe được để thực hành, sau đó có thể nhập tam muội Nhứt Hạnh như sự theo dõi pháp giới không thối lui, không hủy hoại, không suy lường được, không bị ngăn ngại, không tướng trạng.

Thiện nam thiện nữ nào muốn thể nhập tam muội Nhứt Hạnh nên ở chỗ thanh vắng xả bỏ những ý nghĩ loạn động không giữ lại bóng dáng ngoại cảnh nhiếp tâm chuyên nhứt hướng về đức Phật một lòng xưng danh hiệu ngài, tùy theo phương hướng đức Pật mình hiện xưng danh đang ngự ngồi ngay ngắn lại mật hướng về phương đó, nếu chuyên chú theo dõi nơi một Phật niệm niệm được liên tục tức trong niệm đó có thể thấy các đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Tại sao như thế? Là vì công đức niệm một đức Phật vô lượng vô biên cùng với công đức niệm vô lượng chư Phật không sai biệt, Phật pháp thật không thể dễ suy lường được, bình đẳng không có sai khác đều nằm trên NHỨT NHƯ, thành tựu chánh giác tối thượng đầy đủ công đức vô lượng, tài hùng biện vô lượng. Người nhập vào tam muội Nhứt Hạnh thấu biết tất cả pháp giới các đức Phật nhiều như số cát sông Hằng không có tướng sai khác nhau.

Như A Nan nghe được Phật pháp đắc Niệm tổng trì, trí huệ hùng biện ở trong hàng ngũ thinh văn dù là hạng nhứt nhưng còn kẹt vào có thể dùng số lượng để tính điếm được nên còn có giới hạn và bị ngăn ngại. Còn như kẻ đã đắc được tam muội Nhứt Hạnh đối với những pháp môn trong các kinh điển nhận biết rõ ràng từng môn một, biết một cách hết sức xác đáng không còn một chút hoài nghi, sức trí huệ hùng biện có thể nói pháp trọn luôn cả ngày lẫn đêm, đem sức hùng biện và học rộng của A Nan so sánh thật là không bằng được một phần trăm, một phần ngàn.

Nếu như có đại Bồ tát nào tự nghĩ rằng mình làm sao để mau chứng tam muội Nhứt Hạnh, được công đức không thể suy lường, tiếng vang vô lượng đức Phật sẽ dạy đại Bồ tát nầy nên nghĩ nhớ đến tam muội Nhứt Hạnh luôn luôn siêng năng chuyên chú đừng lười biếng hay tỏ vẽ mõi mệt, tu học tuần tự như vậy sẽ đủ năng lực để nhập tam muội Nhứt Hạnh, sẽ thu hoạch được các công đức không thể suy lường để minh chứng cho sự thể nhập nầy. Trừ các hạng hủy báng chánh pháp không tin ác nghiệp mang tội chướng nặng nề ra là không thể nhập được.

Lại nữa nầy Văn Thù Sư Lợi! Thí dụ như có người được một viên ngọc ma ni đem đến trình bày với người thợ kim hoàn, người thợ kim hoàn bảo: Đây là ngọc ma ni vô giá. Vừa nghe người ấy liền cầu mong thợ kim hoàn: Xin ông hảy mài giũa dùm tôi, làm thế nào đừng để mất sắc sáng chói của nó. Thợ kim hoàn đem viên ngọc ma ni ra mài giũa tùy theo chỗ mài ngọc trở chói sáng lấp lánh suốt cả trong ngoài.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu có thiện nam thiện nữ tu học tam muội Nhứt Hạnh có các công đức không thể suy lường tiếng vang vô lượng, tùy theo lúc tu học biết được các pháp tướng và thấu rõ không còn mê mờ gì cả, công đức lần lượt tăng trưởng cũng như ngọc mài càng lúc càng sáng.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Thí dụ như mặt trời chiếu ánh sáng cùng khắp nơi nơi không sót một chỗ, nếu có ai đắc được tam muội Nhứt Hạnh cũng hoàn mãn tất cả công đức không thiếu sót gì cũng giống như vậy soi thấu hết cả Phật pháp như ánh sáng mặt trời.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Pháp ta dạy ra chỉ là vị duy nhứt, vị thoát ly, vị giải thoát, vị tịch diệt. Nếu có thiện nam thiện nữ nào đắc được tam muội Nhứt Hạnh hể họ có nói ra lời gì cũng đều mang vị duy nhứt, vị thoát ly, vị giải thoát, vị tịch diệt thuận theo chánh pháp không có lỗi lầm.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu đại Bồ tát đắc được tam muội Nhứt Hạnh nầy đều hoàn mãn tất cả pháp trợ đạo, mau đắc trí giác vô thượng.

Lại nữa nầy Văn Thù Sư Lợi! Không thấy pháp giới có tướng sai biệt và tướng duy nhứt mau đắc trí giác vô thượng, tướng không thể suy lường được là trong sự giác ngộ cũng không thành thật....biết được như thế sẽ mau chóng đắc trí giác vô thượng. Nếu người nào tin được tất cả pháp đều là Phật pháp không sanh tâm sợ hãi kinh hoàng cũng không còn hoài nghi, người có sự hiểu biết như vậy sẽ mau được trí giác vô thượng.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Có phải do những nguyên nhơn đó nên mau đắc trí giác vô thượng phải không?

Phật đáp:

Đắc trí giác vô thượng không phải do nhơn đắc cũng không phải do không nhơn đắc. Tại sao thế? Là vì đó là lãnh vực trên các sự suy lường nên không phải do nhơn đắc cũng không phải do không nhơn đắc. Nếu có thiện nam thiện nữ nào nghe lời nói như vậy không cảm thấy ngao ngán mõi mệt, ông nên biết kẻ nầy đã từng vun trồng nhiều căn lành với chư Phật đời quá khứ. Thế nên tỳ kheo nghe nói về Bát Nhã Ba La Mật sâu xa lại không sanh tâm sợ hãi kinh hoàng tức họ thật đã theo Phật xuất gia. Nếu có cư sĩ nam cư sĩ nữ nghe dạy về Bát Nhã Ba La Mật tâm không kiếp đảm tức họ đã thành tựu được chỗ nương tựa chân thật.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu có thiện nam thiện nữ nào không thực tập Bát Nhã Ba La Mật tức là không tu Phật thừa. Thí dụ như mặt đất là chỗ để tất cả cây thuốc nương tựa vào đó sanh trưởng. Cũng giống như vậy, nầy Văn Thù Sư Lợi! Tất cả thiện căn của các đại Bồ tát đều nương tựa vào Bát Nhã Ba La Mật mà tăng trưởng, không trái nghịch với trí giác vô thượng.

Lúc đó Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Trong các miền thành thị quận huyện thôn xóm thuộc thế giới Diêm phù đề nầy có chỗ nào đáng được làm nơi để nói về Bát Nhã Ba La Mật sâu xa như vậy?

Phật bảo:

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Hiện nay trong pháp hội nầy nếu có người nghe được Bát Nhã Ba La Mật đều nên phát thệ rằng: Trong đời vị lai cầu mong luôn luôn được tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật từ đây được đức tin và sự hiểu biết. Trong đời vị lai ai có khả năng nghe kinh nầy, ông nên biết rằng họ không phải chỉ do các căn lành nhỏ mọn nên có năng lực nghe rồi tin nhận lại còn sanh tâm ưa thích.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu có người nào được nghe ta nói về Bát Nhã Ba La Mật nên tự nói thầm: Trong Bát Nhã Ba La Mật không có pháp Thinh Văn, Bích Chi Phật, Bồ tát, Phật và cũng không có pháp phàm phu sanh diệt.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Nếu có tỳ kheo tỳ kheo ni cư sĩ nam cư sĩ nữ đến hỏi con rằng: Như Lai dạy về Bát Nhã Ba La Mật ra sao? Con sẽ trả lời: Tất cả pháp đã không có tướng đối đải nhau, làm thế nào Như Lai lại đương dạy về Bát Nhã Ba La Mật? Tại sao thế? Là vì không thấy pháp nào đáng phân tích biện luận cũng không có tâm thức chúng sanh để biết.

Lại nữa thưa Thế Tôn! Con sẽ nói thêm về thật tế cứu cánh. Tại sao? Vì tất cả pháp tướng đều thể nhập thật tế. Hàng A La Hán không có pháp đặc thù riêng biệt, vì pháp A La Hán và pháp phàm phu không khác biệt cũng không đồng nhứt.

Lại nữa bạch Thế Tôn! Pháp như vừa nói như thế không có chúng sanh nào đã đắc Niết Bàn đương đắc sẽ đắc. Tại sao con nói thế? Là vì không có tướng chúng sanh quyết định.

Nếu như có người nào muốn nghe Bát Nhã Ba La Mật, con sẽ dạy như thế nầy! Kẻ nào nghe được không giữ lại không đam mê không nghe không đắc nên giống như người ảo hóa không có gì để phân biệt... kẻ nói như thế mới chơn thật là thuyết pháp, cho nên kẻ nghe đừng nghĩ có hai tướng không bỏ kiến thức mà tu Phật pháp, không nắm lấy Phật pháp cũng không buông bỏ phàm phu pháp. Tại sao? Là vì tướng trạng hai pháp phàm phu và Phật đều không, không có sự nắm giữ hay buông bỏ. Nếu như có ai hỏi, con sẽ nói lời an ủi và kiến lập như vậy. Thiện nam thiện nữ nên hỏi như vậy, an trụ như vậy, tâm không thối thất cần nên biết pháp tướng tùy thuận theo lời Bát Nhã Ba La Mật.

Ngay khi đó Phật khen Văn Thù Sư Lợi:

Hay lắm! Đúng lắm! Như lời ông vừa nói kẻ thiện nam thiện nữ nào muốn thấy các đức Phật nên học Bát Nhã Ba La Mật như vậy. Muốn thân cận các đức phật cúng dường các ngài như pháp nên học Bát Nhã Ba La Mật như vậy. Nếu muốn nói Như Lai là Thế Tôn của ta cần nên học Bát Nhã Ba La Mật như vậy.

Nếu muốn nói Như Lai không phải là Thế Tôn của ta cũng nên học Bát Nhã Ba La Mật như vậy.

Nếu muốn thành đạo chánh giác vô thượng, không thành đạo chánh giác vô thượng nên học về Bát Nhã Ba La Mật như vậy.

Nếu muốn thành tựu tất cả tam muội, không thành tựu tất cả tam muội cũng nên học về Bát Nhã Ba La Mật như vậy. Tại sao vậy? Là vì tam muội không động tác, không tướng khác biệt, tất cả pháp là không sanh không xuất.

Nếu muốn biết tất cả pháp giả danh, tất cả chúng sanh tu đạo Bồ đề, không cầu tướng bồ đề tâm không thối chuyển nên học Bát Nhã Ba La Mật. Vì tất cả pháp đều là tướng trạng bồ đề.

Nếu muốn biết tướng động tác không động tác của tất cả chúng sanh, không động tác tức là Bồ đề, Bồ đề tức là pháp giới, pháp giới tức là thật tế nên tâm không thối thất.

Nếu muốn biết tất cả Như Lai có thần thông biến hóa, không tướng trạng, không bị ngăn ngại cũng không bị giới hạn nên học về Bát Nhã Ba La Mật như vậy.

Phật lại bảo Văn Thù Sư Lợi:

Nếu có tỳ kheo tỳ kheo ni cư sĩ nam cư sĩ nữ muốn không sa đọa vào đường ác nên học một bài kệ bốn câu về Bát Nhã Ba La Mật thọ trì đọc tụng, vì kẻ khác giảng nói ra thuận với thật tướng. Kẻ thiện nam thiện nữ hành động như vậy ông nên biết họ chắc chắn sẽ đắc trí giác vô thượng ở nước Phật.

Nếu có kẻ nào nghe về Bát Nhã Ba La Mật như vậy không run sợ không kinh hoàng lại tin hiểu được phải biết rằng hạng nầy được Phật chứng nhận bằng pháp ấn đại thừa của Phật. Nếu thiện nam thiện nữ nào học được pháp ấn nầy sẽ siêu việt lên trên các thế giới đọa lạc, không đi vào con đường Thinh Văn, Bích Chi Phật vì đã siêu việt hơn.

Khi ấy vua trời Đế Thích và tam thập tam thiên dùng hoa báu cõi trời! Ưu đàm bát la, Câu Vật Đầu, Phấn Đà Lị, Mạn Đà La, hương Chiên Đàn, hương bột, các thứ vàng ngọc cùng hòa tấu lên âm nhạc cõi trời để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và các đức Như Lai cùng ngài Văn Thù Sư Lợi. Các món cúng dường như trên đều vần vũ giữa hư không.

Sau khi cúng dường xong, các vị trời đều nguyện: Cầu mong chúng con luôn luôn được nghe pháp ấn Bát Nhã Ba La Mật.

Vua trời Đế Thích lại nguyện:

Con nguyện đối với trai gái có thiện căn ở thế giới Diêm Phù Đề nầy sẽ luôn luôn làm cho họ nghe được kinh nầy tin chắc Phật pháp, con lại sai bảo tất cả trời ủng hộ những kẻ tin nhận hiểu biết thọ trì cùng dạy bảo cho kẻ khác nghe về kinh nầy.

Khi ấy Phật bảo Đế Thích:

Đúng như vậy! Nầy Kiều Thi Ca! Thiện nam thiện nữ như thế sẽ chắc chắn được trí giác như chư Phật.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Kẻ thiện nam thiện nữ nào thọ trì như vậy sẽ được sự lợi ích vĩ đại công đức vô lượng.

Khi đó do sức thần thông của đức Phật tất cả mặt đất đều chấn động sáu cách, Phật mĩm cười từ miệng phóng ra ánh sáng rộng lớn sáng soi khắp cả đại thiên thế giới.

Văn Thù Sư Lợi liền thưa với Phật:

Bạch Thế Tôn! Đó tức là Như Lai ấn chứng Bát Nhã Ba La Mật.

Phật đáp:

Đúng như thế! Nầy Văn Thù Sư Lợi! Thường thường sau khi Như Lai nói về Bát Nhã Ba La Mật rồi hiện điềm như vậy để ấn chứng Bát Nhã, để cho người thọ trì không sanh tâm hủy báng hay ngợi khen. Tại sao vậy? Là vì pháp ấn vô tướng nên không thể khen hay chê, nay ta dùng pháp ấn này để cho thiên ma không có cơ hội phá hoại.

Phật nói vừa xong, lúc ấy đại Bồ tát và bốn bộ chúng được nghe nói về Bát Nhã Ba La Mật đều hết sức vui mừng, tâm tin nhận và hết lòng phụng hành.

 

   


Trang Nhà
  |  Bài Mới  |  
Kinh Điển |  Thần Chú  |  Pháp Âm  |  Lịch Đại Tổ Sư
Hình Ảnh  |  Linh Tinh  |  Tự Điển  |  Lịch Trình  |  
Liên Lạc