QUYỂN THỨ SÁU
PHẨM "PHÁP-SƯ CÔNG-ĐỨC"
THỨ MƯỜI CHÍN
- 1. Lúc bấy giờ, Phật bảo ngài Thường-Tinh-Tấn đại Bồ-Tát rằng: Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn thọ trì kinh Pháp-Hoa này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, người đó sẽ được tám trăm công đức nơi mắt, một nghìn hai trăm công đức nơi tai, tám trăm công đức nơi mũi, một nghìn hai trăm công đức nơi lưỡi, tám trăm công đức nơi thân, một nghìn hai trăm công đức nơi ý, dùng những công đức này trang nghiêm sáu căn đều được thanh tịnh.
Thiện-nam-tử và thiện-nữ-nhơn đó, nhục nhãn thanh tịnh của cha mẹ sanh ra, thấy khắp cõi tam-thiên đại-thiên, trong ngoài có những núi, rừng, sông, biển, dưới đến địa ngục A-tỳ, trên đến cõi trời Hữu-Đảnh, cũng thấy tất cả chúng sanh trong đó và nghiệp nhân duyên quả báo chỗ sanh ra thảy đều thấy biết. Khi đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
- 2. Nếu người ở trong chúng
Dùng tâm không sợ sệt
Nói kinh Pháp-Hoa này
Ông nghe công đức đó
Người đó được tám trăm
Công đức thù thắng nhãn
Do dùng đây trang nghiêm
Mắt kia rất thanh tịnh.
Mắt thịt cha mẹ sanh
Thấy cả cõi tam thiên
Trong ngoài núi Di-lâu
Núi Tu-di, Thiết-vi
Và các núi rừng khác
Biển lớn nước sông ngòi
Dưới đến ngục A-tỳ
Trên đến trời Hữu-Đảnh
Chúng sanh ở trong đó
Tất cả đều thấy rõ
Dầu chưa được thiên nhãn
Sức nhục nhãn như thế.
- 3. Lại nữa, Thường-Tinh-Tấn! Nếu có người thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn, thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc biên chép, hoặc giải nói, được một nghìn hai trăm nhĩ công đức, dùng tai thanh tịnh đó, nghe khắp cõi tam thiên, dưới đến địa-ngục vô gián, trên đến trời Hữu-Đảnh, trong ngoài các thứ lời lẽ giọng tiếng. Tiếng voi, tiếng ngựa,tiếng xe, tiếng trâu, tiếng khóc la, tiếng buồn than, tiếng ốc; tiếng trống, tiếng chuông, tiếng linh, tiếng cười, tiếng nói, tiếng trai, tiếng gái, tiếng đồng-tử, tiếng đồng-nữ, tiếng pháp, tiếng phi pháp, tiếng khổ, tiếng vui, tiếng phàm phu, tiếng thánh nhân, tiếng đáng ưa, tiếng chẳng đáng ưa, tiếng trời, tiếng rồng, tiếng Dạ xoa, tiếng Càn thát bà, tiếng A tu la, tiếng Ca lâu la, tiếng Khẩn na la, tiếng Ma hầu na dà, tiếng lưả, tiếng nước, tiếng gió, tiếng địa-ngục, tiếng súc sanh, tiếng ngạ quỷ, tiếng Tỳ-kheo, tiếng Tỳ-kheo-ni, tiếng Thanh-văn, tiếng Bích-chi-Phật, tiếng Bồ-Tát, tiếng Phật.
Nói tóm đó, trong cõi tam-thiên đại-thiên, tất cã trong ngoài các thứ tiếng, dầu chưa được thiên nhĩ dùng tai tầm thường thanh tịnh của cha mẹ sanh thảy đều nghe biết, phân biệt các tiếng tăm như thế, mà chẳng hư nhĩ căn.
Lúc đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Trong sạch không đục nhơ
Dù tai này thường nghe
Cả tiếng cõi tam thiên
Tiếng voi, ngựa, trâu, xe
Tiếng chung linh loa cổ
Tiếng cầm, sắc, không hầu
Tiếng ống tiêu, ống dịch
Tiếng ca hay thanh tịnh
Nghe đó mà chẳng ham.
Tiếng vô số giống người
Nghe đều hiểu rõ được
Lại nghe tiếng các trời
Tiếng ca rất nhiệm mầu
Và nghe tiếng trai, gái,
Tiếng đồng-tử, đồng-nữ
Trong núi sông hang hiểm
Tiếng Ca-lăng-tần-dà
Cộng-mạng các chim thảy
Đều nghe tiếng của nó.
Địa ngục các đau đớn
Các thứ tiếng độc khổ
Ngạ quỷ đói khát bức
Tiếng tìm cầu uống ăn
Các hàng A-tu-la
Ở nơi bên biển lớn
Lúc cùng nhau nói năng
Vang ra tiếng tăm lớn
Như thế người nói pháp
An trụ ở trong đây
Xa nghe các tiếng đó
Mà chẳng hư nhĩ căn
Trong cõi nước mười phương
Cầm thú kêu hô nhau
Người nói kinh Pháp-Hoa
Ở đây đều nghe đó
Trên các trời Phạm-Thế
Quang-Âm cùng Biến-Tịnh
Nhẫn đến trời Hữu-Đảnh
Tiếng tăm của kia nói
Pháp-sư ở nơi đây
Thảy đều được nghe đó.
Tất cả chúng Tỳ-kheo
Và các Tỳ-kheo-ni
Hoặc đọc tụng kinh điển,
Hoặc vì người khác nói
Pháp-sư ở nơi đây
Thảy đều được nghe đó.
Lại có các Bồ-Tát
Đọc tụng nơi kinh pháp
Hoặc vì người khác nói
Soạn tập giải nghĩa kinh
Các tiếng tăm như thế
Thảy đều được nghe đó.
Các Phật đấng Đại-Thánh
Giáo hóa hàng chúng sanh
Ở trong các đại hội
Diễn nói pháp nhiệm mầu
Người trì Pháp-Hoa nầy
Thảy đều được nghe đó.
Cõi tam-thiên đại-thiên
Các tiếng tăm trong ngoài
Dưới đến ngục A-tỳ (3)
Trên đến trời Hữu-Đảnh (4)
Đều nghe tiếng tăm kia
Mà chẳng hư nhĩ căn
Vì tai kia sáng lẹ
Đều hay phân biệt biết
Người trì kinh Pháp-Hoa
Dầu chưa được thiên nhĩ
Chỉ dùng tai sanh ra
Công đức đã như thế.
- 5. Lại nữa, Thường-Tinh-Tấn! Nếu có thiệân-nam-tử, thiện-nữ-nhơn, thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, trọn nên tám trăm tỷ công đức, dùng tỹ căn thanh tịnh đó, ngửi khắp cõi tam-thiên đại-thiên, trên dưới trong ngoài các thứ mùi : Mùi hoa tu-mạn-na, mùi hoa xa-đề, mùi hoa mạt-lợi, mùi hoa chiêm-bặc, mùi hoa ba-la-la, mùi hoa sen đỏ, mùi hoa sen xanh, mùi hoa sen trắng, mùi cây có hoa, mùi cây có trái, mùi chiên-đàn, mùi trầm-thủy, mùi đa-ma-la-bạt, mùi đa-da-la, đến trăm nghìn thứ hòa lộn, hoặc là bột, hoặc là viên, hoặc là hương xoa, người trì kinh này ở trong đây đều có thể phân biệt.
Và lại rõ biết mùi chúng sanh : Mùi voi, mùi ngựa, mùi dê, trâu v.v.. mùi trai, mùi gái, mùi đồng-nữ và mùi cỏ cây lùm rừng, hoặc gần, hoặc xa, bao nhiêu thứ mùi có ra, thảy đều được ngữi rõ biết chẳng nhầm.
Người trì kinh này dầu ở nơi đây cũng ngửi mùi trên các cõi trời : Mùi cây ba- lợi-chất-đa-la, cây câu-bệ-đa-la, cùng mùi hoa mạn-đà-la, hoa đại-mạn-đa-la, hoa mạn-thù-sa, hoa đại-mạn-thù-sa, mùi gỗ chiên-đàn, trầm-thuỷ các thứ hương bột, mùi các hoa đẹp. Các thứ hương trời như thế hòa hợp thoảng ra mùi thơm đều ngửi biết.
Lại ngửi mùi nơi thân của các vị trời : Mùi của Thích-Đề-Hoàn-Nhơn lúc ở trên thắng điện, năm món dục vui chơi, hoặc mùi lúc ở trên Diệu-Pháp-Đường vì các vị trời Đao-Lợi nói pháp, hoặc mùi lúc dạo chơi trong vườn, cùng mùi nơi thân xác của các vị trời nam nữ khác, thảy đều xa ngửi biết. Xoay vần như thế nhẫn đến trời Phạm-Thế, trên đến mùi nơi thân các vị trời Hữu-Đảnh cũng đều ngửi biết.
Và ngửi mùi hương của các vị trời đốt và mùi Thanh-văn, mùi Bích-chi-Phật, mùi Bồ-Tát, mùi nơi thân các đức Phật, cũng đều xa ngửi biết chỗ ở của đó. Dầu ngửi biết hương ấy, nhưng nơi tỹ căn không hư không sai, nếu muốn phân biệt vì người khác nói, nghi nhớ không nhầm.
Lúc đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
- 6. Người đó mũi thanh tịnh
Ở trong thế giới này
Hoặc vật thơm hoặc hôi
Các thứ đều ngửi biết.
Tu-mạn-na, xa-đề
Đa-ma-la, chiên-đàn
Trầm-thủy và mùi quế
Mùi các thứ hoa trái
Và mùi các chúng sanh :
Mùi nam-tử, nữ-nhơn
Người nói pháp ở xa
Ngửi mùi biết chỗ nào.
Đại-Thế Chuyển-luân-vương
Tiểu-chuyển-luân và con
Bầy tôi, các cung nhân
Ngửi mùi biết chỗ nào.
Trân bảo đeo nơi thân
Cùng tạng báu trong đất
Bảo-nữ của Luân-vương
Ngửi hương biết chỗ nào.
Mọi người đồ nghiêm thân
Y phục và chuỗi ngọc
Các thứ hương xoa thân
Ngửi mùi biết thân kia.
Các trời hoặc đi, ngồi
Dạo chơi và thần biến
Người trì Pháp-Hoa này
Ngửi mùi đều biết được.
Các cây hoa trái hột
Và mùi thơm dầu tô
Người trì kinh ở đây
Đều biết ở chỗ nào.
Các núi, chỗ sâu hiểm
Cây chiên-đàn nở hoa
Chúng sanh ở trong đó
Ngửi mùi đều biết được.
Núi Thiết-vi, biển lớn
Các chúng sanh trong đất
Người trì kinh ngửi mùi
Đều biết đó ở đâu
Trai gái A-tu-la
Và quyến thuộc của chúng
Lúc đánh cãi, dạo chơi
Ngửi hương đều biết được.
Đồng trống, chỗ hiểm trở
Sư tử, voi, hùm, sói
Bò rừng, trâu nước thảy
Ngửi hương biết chỗ ở.
Nếu có người nghén chửa
Chưa rõ trai hay gái
Không căn và phi nhơn
Ngửi mùi đều biết được.
Do vì sức ngửi mùi
Biết người mới nghén chửa
Thành tựu hay chẳng thành
An vui đẻ con phước
Do vì sức ngửi mùi
Biết tâm niệm trai, gái
Lòng nhiễm dục ngu, hờn
Cũng biết người tu hành
Các phục tàng trong đất
Vàng, bạc, các trân bảo
Đồ đồng chỗ đựng chứa
Nghe nói đều biết được
Các thứ chuỗi ngọc báu
Không ai biết giá mấy
Ngửi mùi biết mắc rẻ
Chỗ sản xuất ở đâu.
Các thứ hoa trên trời
Mạn-đà, mạn-thù-sa
Cây Ba-lợi-chất-đa
Ngửi mùi đều biết được.
Các cung điện trên trời
Thượng, trung, hạ sai khác
Các hoa báu trang nghiêm
Ngửi hương đều biết được.
Thắng điện vườn rừng trời
Các nhà Diệu-Pháp-Đường
Ở trong đó vui chơi
Ngửi mùi đều biết được.
Các trời hoặc nghe pháp
Hoặc lúc hưởng ngũ dục
Lại, qua, đi, ngồi, nằm
Ngửi mùi đều biết được.
Thiên nữ mặc y phục
Hoa hương tốt trang nghiêm
Lúc quanh khắp dạo chơi
Ngửi mùi đều biết được.
Lần lượt lên như thế
Nhẫn đến trời Phạm-Thế
Nhập thiền cùng xuất thiền
Ngửi mùi đều biết được.
Trời Quang-Aââm, Biến-Tịnh (5)
Nhẫn đến nơi Hữu-Đảnh
Mới sanh và lui chết
Ngửi hương đều biết được.
Các hàng Ty-kheo chúng
Nơi pháp thường tinh tấn
Hoặc ngồi hoặc kinh hành
Và đọc tụng kinh điển
Hoặc ở dưới rừng cây
Chuyên ròng mà ngồi thiền
Người trì kinh ngửi mùi
Đều biết ở tại đâu.
Bồ-Tát chí bền chắc
Ngồi thiền hoặc đọc tụng
Hoặc vì người nói pháp
Ngửi mùi đều biết được.
Nơi nơi chỗ Thế-Tôn
Được mọi người cung kính
Thương chúng mà nói pháp
Ngửi mùi đều biết được.
Chúng sanh ở trước Phật
Nghe kinh đều mừng vui
Đúng pháp mà tu hành
Ngửi mùi đều biết được.
Dầu chưa được vô lậu
Pháp-sanh-tỹ Bồ-Tát
Mà người trì kinh đây
Trước được tướng mũi nàî
- 7. Lại nữa Thường-Tinh-Tấn! Nếu có thiện-nam-tử, cùng thiện-nữ-nhơn thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, được một nghìn hai trăm thiệt công đức.
Những món hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc ngon, hoặc dở và các vật đắng chát, ở trên lưỡi của người đó, đều biến thành vị ngon như vị cam-lồ trên trời không món nào là chẳng ngon.
Nếu được thiệt căn đó ở trong đại chúng nói pháp có chỗ diễn ra tiếng sâu mầu có thể vào tâm chúng, đều làm cho vui mừng sướng thích.
Lại các vị thiên-tử, thiên-nữ, các trời Thích, Phạm, nghe tiếng tăm thâm diệu này diễn nói ngôn luân thứ đệ, thảy đều đến nghe. Và các hàng Long, Long- nữ, Da-xoa, Da-xoa nữ, Càn-thát-bà, Càn-thát-ba nữ, A-tu-la, A-tu-la nữ, Ca-lầu-la, Ca-lầu-la nữ, Khẩn-na-la, Khẩn-na-la nữ, Ma-hầu-la-dà, Ma-hầu-la-da nữ, vì để nghe pháp mà đều gần gũi cung kính cúng dường.
Và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-ba-di, Quốc-vương, Vương-tử, quần thần, quyến thuộc, tiểu Chuyển-luân-vương, đại Chuyển-luân-vương, bảy báu, nghìn người con, cùng quyến thuộc trong ngoài, ngồi cung điện đồng đến nghe pháp.
Vì vị Bồ-Tát này khéo nói pháp, nên hàng Ba-la-môn, cư-sĩ, nhân dân trong nước trọn đời theo hầu cúng dường. Lại các Thanh-văn, Bích-chi-Phật, Bồ-Tát các đức Phật thường ưa thấy người đó, người đó ở chỗ nào, các đức Phật đều xoay về phiá đó nói pháp, người đó đều hay thọ trì tất cả Phật Pháp, lại có thể nói ra tiếng pháp sâu mầu.
Khi đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
- 8. Người đó lưỡi thanh tịnh
Trọn không thọ vị xấu
Người đó ăn uống chi
Đều biến thành cam-lồ.
Dùng tiếng hay thâm tịnh
Ở trong chúng nói pháp
Đem các nhân duyên dụ
Dẫn dắt lòng chúng sanh
Người nghe đều vui mừng
Bày đồ cúng dường tốt.
Các trời, rồng, Dạ-xoa
Cùng A-tu-la thảy
Đều dùng lòng cung kính
Mà đồng đến nghe pháp
Người nói kinh pháp đó
Nếu muốn dùng tiếng mầu
Khắp cùng cõi Tam-thiên
Tuỳ ý liền được đến.
Đại, Tiểu Chuyển-luân-vương
Và nghìn con quyến thuộc
Chấp tay lòng cung kính
Thường đến nghe thọ pháp,
Các trời, rồng, Dạ-xoa
La-sát, Tỳ-xá-xà
Cũng dùng lòng vui mừng
Thường ưa đến cúng dường,
Phạm-thiên-vương, Ma-vương,
Tự-tại, Đại-tự-tại
Các chúng trời như thế
Thường đến chỗ người đó.
Các Phật cùng đệ tử
Nghe người nói tiếng pháp
Thương nhớ giữ gìn cho
Hoặc lúc vì hiện thân.
- 9. Lại nữa, Thường-Tinh-Tấn! Nếu có thiện-nam-tử cùng thiện-nữ-nhơn thọ trì, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép được tám trăm thân công đức, được thân thanh tịnh như lưu ly sạch chúng sanh ưa thấy. Vì thân đó trong sạch nên chúng sanh trong cõi tam-thiên đại-thiên, lúc sanh lúc chết, trên dưới, tốt xấu, sanh chỗ lành, chỗ dữ v.v.. đều hiện rõ trong đó.
Và núi Thiết-vi, núi Đại-thiết-vi, núi Di-lâu, núi Đại-di-lâu..v.v.. các núi cùng chúng sanh ở trong đó đều hiện rõ trong thân, dưới đến địa ngục A-tỳ, trên đến trời Hữu-Đảnh cảnh vật cùng chúng sanh đều hiện rõ trong thân. Hoặc là Thanh- văn, Duyên-giác, Bồ-Tát cùng chư Phật nói pháp đều hiện sắc tượng ở trong thân.
Bấy giờ, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng.
- 10. Nếu người trì Pháp-Hoa
Thân thể rất thanh tịnh
Như lưu ly sạch kia
Chúng sanh đều ưa thấy.
Lại như gương sáng sạch
Đều thấy các sắc tượng
Bồ-Tát nơi tịnh thân
Thấy cả vật trong đời
Chỉ riêng mình thấy rõ
Người khác không thấy được,
Trong cõi nước tam-thiên
Tất cả các chúng sanh
Trời, người, A-tu-la
Địa-ngục, quỷ, súc-sanh
Các sắc tượng như thế
Đều hiện rõ trong thân.
Cung điện của các trời
Nhẫn đến trời Hữu-Đảnh
Núi Thiết-vi, Di-lâu
Núi Ma-ha Di-lâu
Các biển nước lớn thảy
Đều hiện ở trong thân.
Các Phật cùng Thanh-văn
Phật tử Bồ-Tát thảy
Hoặc riêng, hoặc tại chúng
Nói pháp thảy đều hiện.
Dầu chưa được diệu thân
Pháp tánh sạch các lậu
Dùng thân thanh tịnh thường
Tất cả hiện trong đó.
- 11. Lại nữa Thường-Tinh-Tấn! Sau khi Đức Như-Lai diệt độ, nếu có người thiện-nam-tử cùng thiện-nữ-nhơn thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thời được một nghìn hai trăm ý công đức.
Dùng ý căn thanh tịnh đó nhẫn đến nghe một kệ, một câu, suốt thấu vô lượng, vô biên nghĩa, hiểu nghĩa đó rồi, có thể diễn nói một câu, một kệ đến một tháng, bốn tháng nhẫn đến một năm. Các pháp nói ra tùy nghĩa thú kia đều thật tướng chẳng trái nhau.
Nếu nói kinh sách trong đời, lời lẽ trị thế, nghề nghiệp nuôi sống v.v. .. đều thuận chánh pháp. Sáu đường chúng sanh trong cõi tam-thiên đại-thiên, lòng nghĩ, tưởng, lòng động tác, lòng hý luận, thảy đều biết đó.
Dầu chưa được trí huệ vô lậu mà ý căn thanh tịnh như thế, người đó có suy nghĩ, tính lường, nói năng những chi thời đều là Phật pháp cả, không có gì là chẳng chân thật, cũng là lời trong kinh của các Phật thuở trước nói.
Bấy giờ, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghiã trên mà nói kệ rằng:
- 12. Ý người đó thanh tịnh
Sáng lanh không đục nhơ
Dùng ý căn tốt đó
Biết pháp : Thượng, trung, hạ
Nhẫn đến nghe một kệ
Thông đạt vô lượng nghĩa
Thứ đệ nói đúng pháp
Tháng, bốn tháng, đến năm.
Trong ngoài của cõi này
Tất cả các chúng sanh
Hoặc trời rồng và người
Dạ-xoa, quỉ, thần thảy
Kia ở trong sáu đường
Nghĩ tưởng bao nhiêu đều
Phước báo trì Pháp-Hoa
Đồng thời thảy đều biết.
Vô số Phật mười phương
Trăm phước tướng trang nghiêm
Vì chúng sanh nói pháp
Đều nghe hay thọ trì.
Suy gẫm vô lượng nghĩa
Nói pháp cũng vô lượng
Sau trước chẳng quên lộn
Bởi thọ trì Pháp-Hoa
Trọn biết các pháp tướng
Theo nghĩa rõ thứ đệ.
Suốt danh tự ngữ ngôn
Như chỗ biết diễn nói.
Người đó có nói ra
Là pháp của Phật trước
Vì diễn nói pháp này
Ở trong chúng không sợ.
Người trì kinh Pháp-Hoa
Ý căn tịnh như thế
Dầu chưa được vô lậu
Trước có tướng dường ấy.
Người đó trì kinh này
An trụ bậc hy hữu
Được tất cả chúng sanh
Vui mừng mà mến kính.
Hay dùng nghìn muôn ức
Lời lẽ rất hay khéo
Phân biệt mà nói pháp
Bởi trì kinh Pháp-Hoa.
|